Đặc trưng chính sách của ông Tập Cận Bình là bắt nạt trong các vấn đề lãnh thổ và tỏ ra hào phóng có chọn lọc trong các vấn đề kinh tế, đồng thời tăng dần sức ép về địa - kinh tế.

Mục tiêu chiến lược then chốt của Trung Quốc thời hiện đại là trở thành một "cường quốc toàn diện", hùng mạnh trong mọi lĩnh vực, từ kinh tế, quân sự đến công nghệ và ngoại giao. Mục tiêu này được nuôi dưỡng bởi niềm tin rằng, Trung Quốc, một nền văn minh lớn từng bị sự thù địch của những nước khác phá hoại, có thể không bao giờ nắm giữ được vận mệnh của mình nếu không thâu tóm sức mạnh cần thiết để đè bẹp sự chống đối của các quốc gia khác.

Vì việc đạt được mục tiêu nói trên đồng nghĩa Trung Quốc vừa phải tăng cường sự kiểm soát nhà nước đối với xã hội của mình, vừa phải tối đa hóa các khả năng toàn diện so với các nước đối thủ, nên kể từ sau cách mạng, chính quyền Bắc Kinh đã kiên định theo đuổi 4 mục tiêu hành động cụ thể sau đây, dù các công cụ thực thi có thể thay đổi theo thời gian:

(1) duy trì trật tự trong nước và sự cầm quyền của đảng Cộng sản Trung Quốc; (2) duy trì mức tăng triển kinh tế cao; (3) bình định các vùng địa lý mở rộng bên ngoài thông qua thắt chặt các mối quan hệ kinh tế với các quốc gia châu Á láng giềng để "giảm lo ngại trong khu vực" về sự trỗi dậy của TQ, tạo mục tiêu quan tâm chung với một số nước khác, chẳng hạn như Nga, để họ có lí do từ chối tham gia quá trình thiết lập cán cân chống TQ quy mô hơn đang diễn ra ở châu Á, xúc tiến kế hoạch hiện đại hóa PLA cũng như khôi phục các nỗ lực trước đây nhằm làm mất đi tính hợp pháp của hệ thống liên minh của Mỹ ở châu Á; và (4) củng cố địa vị của TQ như thế lực then chốt trong hệ thống quốc tế.

{keywords}
TQ vừa bắt nạt vừa ra vẻ hào phóng. Ảnh minh họa

Vì vậy, TQ không cho là các quyền lợi của mình được thỏa mãn khi chỉ trở thành một "đối tác thương mại" của các nước khác, dù kết quả thu được có thể giúp giải quyết những căng thẳng lớn hơn giữa các chiến lược kinh tế và địa chính trị của Bắc Kinh. Thay vào đó, nước này sẽ tiếp tục con đường trở thành một cường quốc như thông lệ với đầy đủ sức mạnh chính trị và quân sự, nhằm hiện thực hóa tham vọng giành lại vị thế ảnh hưởng số 1 ở châu Á từ tay Mỹ, tiến tới đạt được tầm ảnh hưởng khắp toàn cầu trong tương lai.

Điều tạo ra sự khác biệt lớn nhất trong chính sách ngoại giao là ông Tập sẵn sàng sử dụng mọi công cụ của nghệ thuật lãnh đạo đất nước, từ sức mạnh quân sự đến việc đe dọa địa - kinh tế cũng như các phần thưởng kinh tế để theo đuổi những mục tiêu địa - chính trị của mình. Nhìn chung, đặc trưng chính sách của ông Tập là bắt nạt trong các vấn đề lãnh thổ và tỏ ra hào phóng có chọn lọc trong các vấn đề kinh tế, đồng thời tăng dần sức ép về địa - kinh tế.

Cách tiếp cận này rõ nhất trong mối quan hệ của Trung Quốc với các nước ở Đông Nam Á, nơi chính quyền Bắc Kinh đang có tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông với một số quốc gia láng giềng. Lập trường cứng rắn của Bắc Kinh đối với các tranh chấp lãnh thổ đi kèm với những khoản đầu tư và gói thương mại hào phóng dành cho các nước Đông Nam Á, dường như được dàn xếp vì các mục tiêu địa - chính trị.

TQ cũng áp dụng hỗn hợp các chính sách "cứng" và "mềm" như trên trong mối quan hệ song phương với Ấn Độ. Trong thời gian diễn ra chuyến thăm đầu tiên của ông Tập tới Ấn Độ, binh lính Trung Quốc đã tiến hành một trong các cuộc xâm nhập lớn nhất của họ từ trước tới nay vào vùng lãnh thổ tranh chấp với quốc gia láng giềng. TQ đã tìm cách sử dụng vấn đề biên giới để khiến Ấn Độ mất cân bằng và giảm các đầu tư quân sự đường biển. Đây ít nhất là lí do khiến Bắc Kinh không sẵn lòng vạch ra Đường kiểm soát thực sự (LAC) giữa hai nước, bất chấp đề nghị công khai của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi về việc đó.

Với Nhật Bản, Trung Quốc theo đuổi một chính sách cứng rắn, theo chủ nghĩa dân tộc. Dưới thời Tập Cận Bình, nước này đã làm leo thang đáng kể tranh chấp lãnh thổ với Nhật thông qua tuyên bố thành lập một Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông.

Ngoài việc phát triển các mối ràng buộc bền chặt hơn với những nước khác, một thành tố quan trọng trong chiến lược đa diện của Tập Cận Bình là hăng hái thành lập cũng như tham gia các tổ chức đa phương. Một vài trong số những tổ chức này, chẳng hạn như Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), sẽ được sử dụng để cấp phát các khoản vay theo định hướng địa - chính trị cho các nước láng giềng.

Theo các nhà phân tích, sẽ là thiếu thực tế khi cho rằng, chiến lược tổng thể của Trung Quốc đối với Mỹ, ít nhất trong 10 năm tới, sẽ tiến triển theo hướng chấp nhận sức mạnh và ảnh hưởng của Mỹ như các nhân tố cốt yếu cho hòa bình và an ninh của châu Á. Thay vào đó, Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ tìm cách cắt giảm chúng một cách có hệ thống. Câu hỏi đặt ra ở đây là, liệu Washington có đủ quyết tâm chính trị, các khả năng địa - kinh tế, quân sự cũng như ngoại giao và quan trọng là một chiến lược tổng thể đúng đắn để đối phó với âm mưu hất cẳng Mỹ, xưng hùng, xưng bá của Trung Quốc ở châu Á trong tương lai hay không.

Quỳnh Anh (tổng hợp từ The National Interest)

XEM THÊM: