“Tại bàn đàm phán, chính phủ Mỹ đưa ra một số yêu cầu kiêu ngạo đối với Trung Quốc, bao gồm cả việc hạn chế sự phát triển của các doanh nghiệp quốc doanh. Rõ ràng, điều này vượt quá phạm vi đàm phán thương mại và động chạm vào hệ thống kinh tế cơ bản của Trung Quốc. Điều này cho thấy, đằng sau cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, họ đang cố gắng ‘xâm chiếm’ chủ quyền kinh tế của Trung Quốc, và buộc Trung Quốc phải tự làm tổn hại đến lợi ích cốt lõi của mình”, tờ Tân Hoa Xã hôm 25/5 viết.
Cụ thể, Washington đã đưa ra những cáo buộc vô căn cứ như Bắc Kinh buộc các công ty nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc phải chuyển giao công nghệ. Ngoài ra, Mỹ tố các doanh nghiệp quốc doanh ở Trung Quốc không chỉ được hưởng các khoản trợ cấp rõ ràng, mà còn có các lợi ích ngầm như sự bảo lãnh chính phủ cho các khoản nợ và lãi suất thấp hơn với các khoản vay ngân hàng. Đó là tất cả bằng chứng cho thấy Mỹ đang “buộc Trung Quốc thay đổi con đường phát triển”, hãng Reuters trích dẫn lời Tân Hoa Xã cho biết.
Cuộc thương chiến Mỹ-Trung luôn trong tình trạng đối đầu căng thẳng. Ảnh: Nikkei |
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam (SCMP), Trung Quốc đang chuẩn bị cho viễn cảnh tồi tệ nhất trong cuộc thương chiến với Mỹ. Tuy nhiên, phía Bắc Kinh vẫn ưu tiên hơn cho việc giảm bớt căng thẳng với Washington. Cụ thể, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải ngày 21/5 đã trả lời phỏng vấn kênh Fox News rằng, Bắc Kinh vẫn luôn để ngỏ khả năng đối thoại với Washington.
“Ở thời điểm hiện tại, sẽ là khôn ngoan nếu Bắc Kinh không học theo Washington bằng cách đưa ra các biện pháp đáp trả nhằm vào các doanh nghiệp Mỹ. Khi Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình dự kiến sẽ gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản vào tháng 6 tới, đó sẽ là cơ hội tốt để họ đạt được một thỏa thuận nhằm giảm bớt căng thẳng”, cựu tổng biên tập SCMP, ông Vương Hướng Vĩ nhận định.
Căng thẳng thương mại giữa Mỹ-Trung đã leo thang vào đầu tháng 5/2019, khi chính quyền Tổng thống Trump cáo buộc Bắc Kinh từ bỏ các lời hứa thay đổi cấu trúc về các hoạt động kinh tế. Sau đó Mỹ đã áp mức thuế quan lên tới 25% đối với 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc. Phía Bắc Kinh luôn phủ nhận việc rút lại lời hứa của mình, nhưng cho biết nước này sẽ không nhượng bộ các vấn đề nguyên tắc để bảo vệ lợi ích cốt lõi của mình.
Tuấn Trần