Các vòng đeo trên đầu có chức năng theo dõi và đo lường mức độ tập trung thông qua việc quét và đọc các sóng não hiện đang được thử nghiệm trên hàng nghìn học sinh Trung Quốc. Thiết bị này có thể sẽ sớm được sử dụng trên hàng triệu học sinh ở quốc gia tỷ dân này, thông báo của một công ty công nghệ Mỹ thiết kế và kinh doanh thiết bị trên cho biết.

Công ty chịu trách nhiệm cung cấp thiết bị cho các trường học ở Trung Quốc là một start-up công nghệ tên là BrainCo, có trụ sở đặt tại bang Massachusetts, Mỹ. Công ty cho biết sản phẩm vòng đeo trên đầu Focus 1 của mình sẽ giúp giáo viên nhận diện các học sinh cần được hỗ trợ thêm trên lớp.

Tuy nhiên, các nhà khoa học thần kinh lại nghi ngờ tính hiệu quả của thiết bị này, và việc sử dụng chúng liệu có gây ra những lo ngại về quyền riêng tư của các em học sinh hay không.

Các vòng đeo này sử dụng cảm biến điện não đồ (EEG) để phát hiện các hoạt động não, xuất hiện khi người đeo thực hiện một công việc nào đó.

Thiết bị đang được sử dụng trên khoảng 10 nghìn học sinh lứa tuổi từ 10 đến 17, thông qua một cuộc thử nghiệm mới được tiến hành gần đây ở Trung Quốc, tờ New Scientist cho hay.

Giáo viên sẽ theo dõi mức độ tập trung của học sinh trên lớp thông qua một ứng dụng di động có khả năng thu nhận và xử lý dữ liệu từ các vòng đeo. Các đèn báo trên vòng đeo sẽ sáng các màu khác nhau tương ứng với mức độ tập trung khác nhau của người đeo, và thông báo cho giáo viên và nhân viên nhà trường nếu học sinh không tập trung vào bài giảng.

Các học sinh cũng được khuyến khích chơi một trò chơi trên điện thoại thông minh nhằm giúp cải thiện khả năng tập trung của các em 25 phút mỗi ngày tại nhà.

Nhà sáng lập và điều hành BrainCo, Bicheng Han cho biết, các học sinht ham gia thử nghiệm đã cải thiện được điểm số của mình trên lớp, trong khi thời gian các em phải dành để học và làm bài tập về nhà lại giảm đáng kể.

Công ty cũng đã ký kết một thoả thuận cung cấp 20 nghìn thiết bị vòng đeo đầu cho một nhà phân phối Trung Quốc.

"Mục tiêu của chúng tôi khi phân phối 20 nghìn thiết bị đầu tiên này là thu thập dữ liệu từ khoảng 1,2 triệu người, trong đó mỗi thiết bị sẽ được nhiều em học sinh trong trường cùng sử dụng," Han nói.

Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu tại Trung Quốc này chưa từng được xuất bản trên bất kỳ tạp chí khoa học nào và các nhà khoa học thế giới cũng bày tỏ sự nghi ngờ về công nghệ được sử dụng.

Russell Barkley, giáo sư tâm thần học lâm sàng tại Trường Đại học Virginia Commonwealth, cho biết sự cải thiên trong kết quả học tập của các em học sinh tham gia thử nghiệm có thể chỉ là một hiệu ứng giả dược.

"Chính sự kỳ vọng của phụ huynh học sinh mới là nguyên nhân, chứ không phải do sản phẩm công nghệ này," ông nói.