Gần đây, dường như ông Kim Jong-un, lãnh đạo tối cao của Triều Tiên cảm thấy bị Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in phớt lờ. Hãy cùng nhớ lại năm 2017, Mỹ và Triều Tiên tưởng đã tiến sát bờ vực chiến tranh bởi chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Bình Nhưỡng đã phóng tên lửa vào Nhật Bản và vùng biển xung quanh đảo Guam nơi có các căn cứ quân sự lớn chứa vũ khí hạt nhân của Mỹ. 

Sau nhiều lời tố cáo, buộc tội lẫn nhau, ông Trump và ông Kim đã gặp nhau tại Singapore vào tháng 6/2018 để xoa dịu tranh chấp. Sự kiện làm dấy lên nhiều hy vọng cho hòa bình khu vực. Điều ông Trump mang lại cho ông Kim là một nền tảng giúp củng cố vị thế toàn cầu của Triều Tiên. Cuộc gặp gỡ lịch sử đã kết thúc một cách thân thiện, nhưng không đạt được thỏa thuận nào. 

Tháng 2/2019, hai nhà lãnh đạo gặp lại nhau tại Hà Nội nhằm đi đến một thỏa thuận chung. Sau 1 ngày trao đổi, ông Trump đột ngột rời bàn đàm phán và trở về Mỹ. Hai bên đưa ra các tuyên bố khác nhau về lý do đàm phán không thành. Tuy nhiên, Triều Tiên đã nhất định không từ bỏ vũ khí hạt nhân kể cả việc đó sẽ mang lại cho nước này những chương trình viện trợ phát triển quy mô lớn, giải thoát Bình Nhưỡng khỏi các lệnh trừng phạt vốn đã làm tê liệt cả nền kinh tế, và đảm bảo rằng Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ không tấn công quốc gia này. Tiếp sau đó là một sự bế tắc hoàn toàn. 

Như tôi đã viết trong một bài báo tại thời điểm đó, Hội nghị thượng đỉnh Hà Nội chưa đạt được thỏa thuận Mỹ-Triều lịch sử nhưng đó là một thành công lớn đối với Việt Nam. Việt Nam được công nhận và tôn trọng ở vị thế của một “người chơi toàn cầu” trong các vấn đề quốc tế. 

Triều Tiên sau đó đã nối lại việc thử nghiệm tên lửa, tiếp tục duy trì các nhà máy sản xuất vũ khí và né lệnh trừng phạt do Liên hợp quốc áp đặt với sự giúp đỡ từ các nước thân cận. Có vẻ như Trung Quốc đã không hề có động thái gì để kiềm chế ông Kim. 

Gần đây, ông Kim, hoặc em gái là bà Kim Yo-Jong (dường như không ai biết chính xác là người nào trong số họ), đã thực hiện các hành động khiêu chiến. Văn phòng liên lạc liên Triều bị đánh sập một cách không thương tiếc. Triều Tiên chỉ trích Hàn Quốc đã cho phép những người bất đồng chính kiến đào tẩu sang nước này gửi truyền đơn chống Bình Nhưỡng bằng khinh khí cầu qua biên giới khiến ông Kim tức giận. Triều Tiên cũng cho rằng Hàn Quốc đã không giữ lời hứa thực hiện các khoản đầu tư đã cam kết. 

Lúc này, có lẽ ông Trump không còn tâm trí nào để quan tâm nhiều đến Triều Tiên. Ông đang phải đối mặt với thách thức tái tranh cử đầy gai góc từ đối thủ là cựu Phó Tổng thống Joe Biden trong khi nước Mỹ mới đang phục hồi từng bước giữa đại dịch Covid-19, cùng với nền kinh tế đang giậm chân tại chỗ. Cũng có thể là ông Kim đang cố gắng thu hút sự chú ý của ông Trump trước kỳ bầu cử tháng 11: nếu ông Trump không tái đắc cử thì ông Kim sẽ phải đàm phán lại từ đầu với ông Biden. 

Tuy nhiên, Mỹ đã triển khai 3 lực lượng đặc nhiệm tàu sân bay trong khu vực với hỏa lực đáng gờm: 3 tàu sân bay, 18 tàu khu trục và 70 máy bay phản lực. 

Nhật Bản đang căng thẳng bởi tình trạng kinh tế yếu kém và đại dịch. Các địa điểm thi đấu thể thao mới cho Thế vận hội Olympic dự định tổ chức vào tháng 8 đã bị hủy bỏ. Nước này đang phải loay hoay với các vấn đề như tăng cường quân đội trong nước và có thể rút lực lượng Mỹ khỏi Okinawa. Nhật cũng đang chi ngân sách để giúp các công ty của nước này có trụ sở tại Trung Quốc di dời đi nơi khác, khiến gia tăng rạn nứt quan hệ với Bắc Kinh. Nhật Bản là quốc gia đi đầu trong việc thúc đẩy Hiệp định thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương. 

{keywords}

Trung Quốc và Australia đang sa chân vào cuộc chiến phát ngôn và hành động liên quan đến đại dịch Covid-19 và thương mại song phương. Australia dần hồi phục sau đại dịch nhưng lại phải đương đầu với những khó khăn về tài chính. Chính quyền của đảng Tự do đang liên minh với Mỹ nhưng lại phụ thuộc vào Trung Quốc với khoản thương mại xuất khẩu trị giá 125 tỷ đô la. Australia, một quốc gia chỉ có 25 triệu dân, bị cuốn vào giữa cuộc cạnh tranh siêu cường để giành quyền bá chủ trong khu vực. 

Ngay từ đầu dịch, Australia đã kêu gọi thực hiện một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc virus Covid-19 xuất phát từ Trung Quốc và những nỗ lực của Trung Quốc để che đậy và thông tin sai lệch. Liên minh châu Âu và Mỹ cũng kêu gọi tổ chức điều tra. Trung Quốc kịch liệt phủ nhận mọi cáo buộc. Trước đó, Australia đã cấm tập đoàn công nghệ viễn thông Huawei của Trung Quốc tham gia mạng 5G tại thị trường nước này. 

Trung Quốc đã phát động một cuộc tấn công toàn diện để trả đũa Australia. Chính phủ nước này đã cảnh báo du khách và học sinh, sinh viên không được đến Australia vì cho rằng đây là một quốc gia phân biệt chủng tộc nguy hiểm. Trung Quốc áp mức thuế cao lên lúa mạch và thịt đỏ, đồng thời đe dọa đánh thuế các mặt hàng khác. 

Giáo dục là một lĩnh vực xuất khẩu lớn của Australia sang Trung Quốc: 260.000 học sinh, sinh viên Trung Quốc đang học tập tại Australia, trong đó có khoảng 160.000 sinh viên theo học tại các trường đại học. Sinh viên quốc tế đóng góp đến 40% ngân sách cho nhiều trường đại học với tổng số tiền là 24 tỷ đô la. Học sinh, sinh viên Trung Quốc cũng đã bị cấm quay trở lại Australia vì đại dịch. Giáo dục Australia đang trong tình trạng rất khó khăn. 

Chính phủ Australia cho rằng tin tặc Trung Quốc đứng đằng sau các cuộc tấn công mạng quy mô lớn nhắm vào các bệnh viện, các công ty cung cấp dịch vụ công cộng, các trường đại học và chính phủ. Australia cũng cáo buộc Trung Quốc hoạt động gián điệp. Trung Quốc bác bỏ toàn bộ những cáo buộc này. 

Ngoài xung đột xoay quanh thương mại và đại dịch, Australia khiến Trung Quốc nổi giận khi tham gia cùng Mỹ và các nước khác trong nỗ lực đảm bảo tự do đi lại trên biển một cách hoà bình. Australia và Mỹ đã tổ chức các cuộc tập trận tự do chung vào tháng Tư. 

Mỹ đã khôi phục lại Đối thoại Tứ giác Kim cương, vốn nằm im lìm dưới thời Tổng thống Barack Obama. Bộ tứ này là một liên minh do Thủ tướng Nhật Bản, Shinzo Abe đề xuất - với ý tưởng về “Viên kim cương An ninh Dân chủ”, bao gồm Mỹ, Ấn Độ, Australia và Nhật Bản. Liên minh này có thể trở thành một nhân tố chủ chốt ở Thái Bình Dương. 

Mối quan hệ “cơm chẳng lành canh chẳng ngọt” giữa Australia và Trung Quốc trong bối cảnh đại dịch có thể dẫn đến việc định hình lại các nền kinh tế khu vực. Cả hai quốc gia đều đang tìm kiếm thị trường thay thế và điều này sẽ gây ra sự gián đoạn trên thị trường toàn cầu. 

Tại Australia đang có một số ý kiến kêu gọi thảo luận về việc nước này tự phát triển vũ khí hạt nhân để đề phòng Trung Quốc có hành động mạnh mẽ hơn. Australia cũng đang gia tăng ngân sách quốc phòng.

Tiến sỹ Terry F. Buss - Chuyển ngữ: Đào Thuý  

Thiết kế: Phạm Luyện - Ảnh: AP, Reuters 

Kỳ tới: Tham vọng Trung Quốc gây hiệu ứng ngược

Trung Quốc: Trung tâm bất ổn tại Ấn Độ - Thái Bình Dương

Trung Quốc: Trung tâm bất ổn tại Ấn Độ - Thái Bình Dương

Nhìn bao quát cả khu vực sẽ thấy điều nổi cộm: Trung Quốc là tâm điểm của nhiều vấn đề tiềm ẩn các mối lo ngại. Đây là khu vực đang tồn tại nhiều “đám cháy âm ỉ” có thể bùng phát bất kỳ lúc nào.