Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, dẫn thông báo từ chính quyền tỉnh Quảng Tây, hôm 21/3 đưa tin ông Liang Er, 77 tuổi, và bà Lu Honglan, 47 tuổi, đến từ một ngôi làng nghèo đói ở huyện Dung của tỉnh này, đã sinh tới 4 con trai và 11 con gái trong khoảng thời gian từ năm 1995 đến 2016.

Đây là thời kỳ Trung Quốc áp dụng chính sách kế hoạch hóa gia đình nghiêm ngặt, yêu cầu mỗi gia đình chỉ được phép sinh 1 con. Phải đến thời gian gần đây, quốc gia tỷ dân này mới cho phép các gia đình sinh từ 2 đến 3 con để đối phó với tình trạng già hóa dân số và tỷ lệ sinh giảm.

{keywords}
Ông Liang Er (người ngồi ngoài cùng bên trái), bà Lu Honglan (người ngồi chỗ thứ 2 từ phải sang) và các con. Ảnh: Baidu

Thông báo cho biết, giới chức Quảng Tây đã quyết định phê bình, cảnh cáo 11 quan chức huyện Dung, vì cho rằng họ đã thể hiện "chủ nghĩa hình thức và quan liêu", thiếu trách nhiệm khi kiểm soát đăng ký kết hôn và quản lý dân cư trong trường hợp của gia đình ông Liang.

Cũng theo giới chức địa phương, ông Liang và bà Lu chưa chính thức đăng ký kết hôn, nhưng đã sống chung và sinh con theo sự đồng thuận của cả hai. "Cuộc điều tra của chúng tôi cho thấy không có dấu hiệu buôn người hay ép buộc kết hôn", chính quyền khu vực cho biết sau cuộc điều tra kéo dài 2 tuần.

Trước đó, sự việc một người phụ nữ họ Dương bị chồng xích trong nhà kho ở tỉnh Giang Tô đã khiến dư luận Trung Quốc báo động về tình trạng phụ nữ phải chịu ngược đãi, đặc biệt ở vùng nông thôn của nước này. 

Vụ việc đã khiến Bộ Công an Trung Quốc khởi động một chiến dịch có quy mô toàn quốc hồi đầu tháng, để rà soát các trường hợp phụ nữ và trẻ em gái có dấu hiệu bị buôn người hoặc ép buộc kết hôn. 17 quan chức tỉnh Giang Tô đã bị sa thải sau khi tin tức về người phụ nữ họ Dương được tiết lộ.

Gia đình ông Liang trở nên nổi tiếng trên mạng vào đầu năm 2016 vì có số lượng con cái đông bất thường. Họ  kiếm sống bằng nghề nông, cùng với các khoản tiền được chính phủ trợ cấp hay được công chúng quyên góp.

Những người con của cặp đôi này đều lớn lên khỏe mạnh và có giấy tờ tùy thân hợp pháp. Bốn người hiện đã có việc làm và số còn lại đang đi học.

>>> Đọc tin thế giới trên VietNamNet

Việt Anh

Bi kịch "làng 1 thận" và chuyện bán con ở Afghanistan

Bi kịch "làng 1 thận" và chuyện bán con ở Afghanistan

Một ngôi làng nhỏ ở Afganistan được gọi là "làng một thận", vì mọi gia đình trong làng này đều có người đã bán đi 1 quả thận để có thể trang trải cuộc sống.