Xuất khẩu khó cạnh tranh 

Trước sức ép gia tăng của cuộc chiến thương mại với Mỹ, Trung Quốc đã có động thái phá giá đồng Nhân dân tệ (NDT) khiến tỉ giá đồng tiền này so với USD đã rơi xuống mức thấp nhất trong 10 năm qua. Đây được coi là biện pháp trả đũa việc Tổng thống Donald Trump tuyên bố áp thuế bổ sung 10% đối với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.

Thế nhưng, việc Trung Quốc phá giá NDT sẽ khiến nông sản xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc gặp nhiều khó khăn.

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), đồng NDT liên tục bị phá giá và mất giá nhiều hơn so với mức mất giá của đồng VND trước đồng USD, sẽ tạo ra chênh lệch mất giá giữa đồng NDT so với VND là rất lớn. Vì thế, giá trị của VND so với NDT tăng lên.

Trong trường hợp này, giá hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam nói chung, các mặt hàng thủy sản sang Trung Quốc nói riêng sẽ cao hơn, gây khó khăn cho việc xuất khẩu của Việt Nam.

{keywords}
Mặt hàng tôm Việt được nhận định sẽ khó cạnh tranh với các đối thủ tại thị trường Trung Quốc khi nước này điều chỉnh tỷ giá đồng NDT

VASEP cho hay, nước cạnh tranh xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc (nhất là mặt hàng tôm) là Ấn Độ hiện đang có nguồn cung tôm giá rẻ hơn, trong khi đồng Rupee cũng bị phá giá sâu so với USD, nên chênh lệch mất giá với NDT ít hơn so với đồng VND. Do vậy, Ấn Độ sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc và Việt Nam sẽ bị áp lực cạnh tranh mạnh hơn.

Một doanh nghiệp trong ngành thủy sản lo lắng tôm, cá Việt sẽ hết đường sang Trung Quốc khi nước này phá giá đồng NDT.

Doanh nghiệp này lý giải, NDT giảm so với USD, trong khi đồng VND không giảm, có nghĩa đồng NDT cũng mất giá so với tiền Việt Nam. Chính vì vậy, thủy sản xuất sang Trung Quốc sẽ phải giảm giá, giảm lợi nhuận, còn nếu giữ giá bán thì rất khó để cạnh tranh với các đối thủ tại thị trường Trung Quốc. Song, nếu giảm giá thành để cạnh tranh được tại thị trương Trung Quốc thì cũng đồng nghĩa với các doanh nghiệp thủy sản sẽ không có lãi, thậm chí là lỗ.

Trao đổi với PV. VietNamNet, chuyên gia trong lĩnh vực xuất nhập khẩu Phạm Tất Thắng nhận định, việc Trung Quốc hạ giá, thậm chí phá giá đồng NDT sẽ ảnh hưởng tới toàn cầu, thậm chí còn được dự đoán có thể dẫn tới nguy cơ kinh tế toàn cầu sẽ sa vào một đợt suy thoái nặng nề. Nhưng trước hết có sự biến động vô cùng to lớn tới thị trường nội địa Trung Quốc và các quốc gia có xuất khẩu lớn sang thị trường này.

Theo ông Thắng, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu vào loại lớn nhất của nông sản Việt Nam, thậm chí có nhiều mặt hàng nông sản Việt chỉ xuất khẩu được sang Trung Quốc. Đặc biệt,Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này chủ yếu qua đường tiểu ngạch, tính trên tỷ giá giữa VND và đồng NDT nên khi giá trị đồng NDT thay đổi sẽ ảnh hưởng trực tiếp, ngay lập tức tới hoạt động xuất khẩu của nước ta.

Chia sẻ trên báo chí, đại diện Vina T&T Group cũng cho biết, hiện mua bán tiểu ngạch, thậm chí cả chính ngạch phần lớn bằng đồng NDT của Trung Quốc. Vì vậy, đồng NDT mất giá đồng nghĩa các công ty xuất khẩu của nước ta bị ảnh hưởng rất nhiều.

Ở chiều nhập khẩu, đồng NDT mất giá kéo theo hàng nông sản, nhất là rau quả từ Trung Quốc giá vốn rẻ sẽ càng rẻ hơn được nhập nhiều vào thị trường Việt Nam. Khi đó nông sản Việt sẽ bị cạnh tranh rất lớn trên sân nhà.

Đa dạng hoá thị trường tránh rủi ro

Đại diện Vina T&T Group cho rằng, rủi ro trong kinh doanh là chuyện không thể lường trước. Vì vậy, các nhà kinh doanh Việt cần đa dạng hóa thị trường, tránh bỏ trứng vào một giỏ. Như doanh nghiệp của ông chỉ dành 20% sản lượng hàng hóa xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, còn lại chia đều nhiều thị trường khác nhau như: Mỹ, châu Âu... để tránh rủi ro.

Liên quan đến vấn đề này, theo Phạm Tất Thắng, từ trước đến nay buôn bán sang thị trường Trung Quốc phần lớn qua đường tiểu ngạch, thanh toán bằng NDT. Song, về lâu dài hình thức xuất khẩu này phải giảm đi, hạn chế xuất khẩu qua biên mậu, phải tăng xuất khẩu chính ngạch lên.

{keywords}
Rau củ quả Trung Quốc giá rẻ dự báo sẽ tiếp tục tràn về Việt Nam với số lượng lớn

Ngoài ra, cần đa dạng hoá thị trường, mở cửa được thêm nhiều thị trường mới thay vì  chỉ xuất sang Trung Quốc. Trên thực tế, nhiều loại nông sản của chúng ta đã làm được rồi.

Ông dẫn chứng, quả thanh long trước kia chỉ xuất sang Trung Quốc, xuất một lượng cực kỳ lớn, nhưng đến bây giờ thì loại trái cây này có thể xuất sang Úc, Mỹ… Gần đây nhất là vải thiều Lục Ngạn, nhãn Hưng Yên cũng xuất khẩu được sang các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… với giá cao gấp 10-20 lần giá bán tại thị trường nội địa.

Tuy nhiên, muốn đa dạng hoá thị trường xuất khẩu thì chúng ta cần phải từ bỏ cách làm ăn manh mún nhỏ lẻ, phải ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đặc biệt, phải tìm hiểu các thị trường cần gì để quay trở lại chúng ta sản xuất đáp ứng đúng theo thị hiếu của họ thay vì chỉ bán những thứ chúng ta có sẵn, ông Thắng chia sẻ.

Đề cập đến vấn đề hạn chế xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc, Theo Phó cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) Trần Đình Luân, tới đây chúng ta tiếp tục đẩy mạnh mở rộng thị trường Trung Quốc theo hướng xuất khẩu chính ngạch, tạo cung cầu ổn định lâu dài. Ngoài ra, cần mở rộng sang cả các thị trường khác, đặc biệt là thị trường trong khối CPTPP và EVFTA.

Theo thông tin từ VASEP, do Trung Quốc siết chặt kiểm soát thương mại mậu biên và kiểm tra ATTP, trong khi nhiều doanh nghiệp nhỏ vốn quen xuất khẩu qua tiểu ngạch, thiếu thông tin về những quy định xuất khẩu qua đường chính ngạch, dẫn đến bị bất ngờ, thụ động trước tình huống bị cấm xuất tiểu ngạch tiểu ngạch.

Đây là một phần nguyên nhân dẫn đến xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc quý I năm nay giảm 5%, sang quý II xuất khẩu có chiều hướng khả quan hơn, giảm nhẹ 0,3% đạt 333 triệu USD. Tính đến hết tháng 6 năm 2019, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc giảm 2,3% đạt 572 triệu USD, trong đó, xuất tôm giảm gần 5%, cá tra tăng gần 2%. 

Tâm An