Những ngày này, cảng cá An Hòa (xã Tam Giang, huyện Núi Thành, Quảng Nam), không còn cảnh ngư dân tất bật chuẩn bị nhiên liệu, thực phẩm để ra khơi như trước mà thay vào đó là cảnh hàng chục con tàu câu mực nằm bờ với hàng trăm tấn mực khô chất đầy trong khoang.

{keywords}
Tàu câu mực nằm bờ vì không bán được mực

Với những chuyến biển trước, khi tàu vừa cập bến thì thương lái dồn dập đến hỏi mua, rồi đặt cọc tiền để người ngư dân có kinh phí cho chuyến vươn khơi tiếp theo. Lần này mặc dù tàu đã nằm bờ gần cả tháng vẫn không thấy đầu nậu tìm đến, hàng trăm tấn mực khô của ngư dân phải ứ đọng, không có đầu ra.

Ông Huỳnh Quốc Việt (thôn Đông Xuân, xã Tam Giang) mấy hôm nay vẫn phải lui tới cảng xem mực khô trong khoang tàu thế nào vì chuyến biển vừa rồi mực vẫn chưa bán được, giờ còn chất đầy cả hầm; ông than thở: “Tôi chưa nghĩ đến chuyến biển tiếp theo vì chưa bán được mực, không có kinh phí”.

{keywords}
Ông Linh với 23 tấn mực xà khô không bán được.

Ông Việt cho hay, tàu ông cập bến vào ngày 6/6 nhưng đến nay vẫn không thấy thương lái đến thu mua. Chuyến biển vừa rồi tàu ông khai thác được 25 tấn mực xà khô, với giá bán như những chuyến trước thì ông sẽ thu về trên 3 tỷ đồng. Hiện đã hơn 20 ngày, mực khô vẫn còn nằm im dưới hầm mà chưa thấy ai đến hỏi.

{keywords}
Mực khô tồn kho của ngư dân

Ông Việt buồn rầu nói: “Mọi khi tàu vừa cập bến thì có đầu nậu đến mua ngay. Chủ tàu thu tiền và tiếp tục ra khơi. Còn hiện nay, tàu nằm cứ nằm bờ, chờ không biết đến bao giờ mới bán được mực để tiếp tục đi biển, nhiều anh em bạn tàu rất lo lắng”.

Cũng như ông Việt, nhiều ngư dân ở huyện Núi Thành cũng ở hoàn cảnh tương tự. Ông Phan Bá Linh (xã Tam Giang) cũng đầu tư hơn 400 triệu đồng mua nhiên liệu, thực phẩm rồi cùng 40 thuyền viên vươn khơi.

Sau 2 tháng bám biển, ông thu được 23 tấn mực khô và cập bờ. Trái với niềm vui của ông cũng như thuyền viên, tàu của ông nằm bờ cả chục ngày vẫn không thấy thương lái đến hỏi han. Với số mực xà khô thu được, ông dự tính sẽ bán được khoảng trên dưới 3 tỉ đồng, số tiền này ông chia cho thuyền viên, còn lại ông tái đầu tư cho chuyến biển tiếp theo.

{keywords}
Mực khô chất đầy trong hầm chứa chờ “giải cứu”

Nay ông đứng ngồi không yên vì mực chất đầy trong khoang mà không có ai đến hỏi mua dù ông đã hạ giá. Ông cho biết, lý do thương lái không thu mua là họ không xuất khẩu được qua Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch.

Ông than thở: “Hơn 30 năm đi biển, đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến cảnh mực bị ứ đọng nhiều và trong thời gian dài như vậy”.

Trao đổi với PV, ông Ngô Tấn - Phó giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam - cho biết, lâu nay mực xà của ngư dân xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, rất ít ràng buộc quy định của ngành chức năng hai nước, nhưng bây giờ phía họ yêu cầu phải đi theo đường chính ngạch. Giờ phải đổi lại phương thức giao hàng, có nghĩa doanh nghiệp bên Trung Quốc mua sản phẩm thì ký kết hợp đồng với doanh nghiệp bên mình, có truy xuất nguồn gốc, tem nhãn hàng hóa. Mà điều này thì mực xà xuất khẩu của tư thương Quảng Nam chưa thực hiện được.

Cũng theo ông Tấn cho biết, việc này đã được Bộ Công Thương cảnh báo nhưng những doanh nghiệp bên Việt Nam chưa kịp thời thay đổi. Sở đã tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương có giải pháp tiếp sức, hướng dẫn, giúp đỡ doanh nghiệp đáp ứng thủ tục.

UBND huyện Núi Thành cũng đã có báo cáo về tình hình các chủ tàu khai thác mực xà không thể tiêu thụ được sản phẩm.

Theo báo cáo, toàn huyện có 61 tàu khai thác mực xà (28 tàu thuộc dự án 67), gồm 37 tàu làm nghề câu mực và 24 tàu làm nghề mành chụp mực, hoạt động ở vùng biển khơi, giải quyết việc làm cho gần 2.000 lao động.

Bình quân mỗi tàu câu mực đánh bắt được khoảng 20-30 tấn mực khô/chuyến biển (60-70 ngày), có 45-50 lao động/tàu; mỗi tàu mành chụp mực khai thác khoảng 2,5-3,5 tấn mực khô/chuyến biển (15-20 ngày), có 10-12 lao động/tàu.

Việc tiêu thụ sản phẩm mực khô của ngư dân chủ yếu thông qua việc thu mua của các tiểu thương và các tư thương xuất khẩu chính, đến thị trường Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch là chính.

Do chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch, với yêu cầu phải truy xuất nguồn gốc từ phía Trung Quốc nên mực xà không xuất bán được. Sản lượng mực khô hiện nay tồn kho trên các tàu khoảng 800 tấn; kho của 3 tư thương thu mua mực khô xuất bán sang Trung Quốc cũng tồn kho khoảng 130 tấn. Tổng sản lượng mực khô trên địa bàn Núi Thành hiện nay chưa tiêu thụ được là 930 tấn.

“Trước đây, giá bán dao động trong khoảng từ 120-160 ngàn đồng/kg mực khô, nay các chủ tàu phải hạ giá thấp hơn nhưng vẫn không có thương lái nào mua”, báo cáo của UBND huyện Núi Thành nêu rõ.

Cũng theo báo cáo của huyện Núi Thành, không tiêu thụ được mực khô nên ngư dân không có đủ nguồn kinh phí để chi phí đi biển lại, nhiều tàu khai thác mực xà phải nằm bờ. Nếu tình trạng này tiếp diễn thì chắc đội tàu khai thác mực xà không thể ra khơi đánh bắt được, đời sống hàng ngàn hộ gia đình ngư dân sẽ gặp khó khăn.

Trước tình hình này, huyện Núi Thành cũng đã đề xuất một số giải pháp gửi Sở NN&PTNT, UBND tỉnh Quảng Nam để tháo gỡ khó khăn cho ngư dân địa phương.

(Theo Dân Trí)