Trong bản tin ngày 21/2, trang NEWS của Australia dẫn báo cáo của công ty phần mềm không gian địa lý Simularity tiết lộ những gì dường như là cơ sở hạ tầng cho radar, giá treo ăng-ten và những gì có thể là một căn cứ quân sự tiềm năng trên Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Ảnh vệ tinh chụp ngày 7/5/2020 (trái) và cùng địa điểm ngày 4/2/2021. Ảnh: Simularity/NEWS |
Hình ảnh vệ tinh cho thấy các hoạt động xây dựng ở 7 khu vực, kéo dài từ tháng 5/2020 đến tháng 2/2021.
Ảnh vệ tinh chụp ngày 7/5/2020 cho thấy rõ một khoảng trống, nhưng trong bức ảnh mới đã có sự hiện diện của một cấu trúc hình trụ rộng 16m. Simularity nhận định, đó có thể là "cấu trúc để đặt ăng-ten".
Một bức ảnh khác cho thấy một cấu trúc bê tông với một vòm bọc radar hình cầu - một vỏ bọc chống thời tiết được dùng để bảo vệ một ang-ten radar. Simularity cho rằng, đây "có thể là một cấu trúc radar cố định".
Các địa điểm khác hiện vẫn trong quá trình xây dựng hoặc đã được dọn sạch để phát triển thêm.
NEWS dẫn lời Tiến sĩ Jay Batongbacal - Giám đốc Viện Nghiên cứu các vấn đề hàng hải về Luật Biển tại Đại học Philippines - đánh giá cơ sở hạ tầng mới cho thấy Trung Quốc đã bắt đầu tiến sâu vào khu vực.
"Về cơ bản, họ đang bổ sung thiết bị ống kính khảo sát, dường như là các radar - và đã có rất nhiều thiết bị được đặt ở Đá Vành Khăn ngay từ đầu", Tiến sĩ Jay Batongbacal bình luận trên đài ANC của Philippines.
Ông phân tích thêm: "Việc bổ sung các radar mới dường như cho thấy họ đang thực sự mở rộng các năng lực của hòn đảo nhân tạo này. Và, thực tế việc này tiếp tục bất chấp tất cả những gì đang diễn ra ở phần còn lại của thế giới chứng tỏ Trung Quốc thực sự định phát triển những đảo nhân tạo này thành các căn cứ quân sự toàn diện".
Mới đây, Trung Quốc đã thông qua luật mới, lần đầu tiên cho phép lực lượng hải cảnh nổ súng bắn tàu nước ngoài. Động thái này đã gây phản ứng mạnh mẽ từ nhiều nước, trong đó có Philippines, Việt Nam, Indonesia, Nhật Bản và Mỹ.
Thanh Hảo
Thông điệp mạnh mẽ của Mỹ về luật hải cảnh Trung Quốc
Chính quyền Tổng thống Joe Biden mới đây đã phản ứng mạnh mẽ về luật mới của Trung Quốc, trong đó cho phép lực lượng hải cảnh nước này bắn tàu nước ngoài ở Biển Đông.
'Bộ tứ' cực lực phản đối Trung Quốc thay đổi hiện trạng ở Biển Đông
Đại diện nhóm Bộ tứ gồm Mỹ, Nhật, Australia và Ấn Độ xác nhận cực lực phản đối các nỗ lực đơn phương của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và biển Hoa Đông.