Theo Beijing News, phát biểu tại một diễn đàn tổ chức ở Bắc Kinh, ông Yao Qian – Trưởng Phòng giám sát Khoa học và công nghệ tại Ủy ban điều tiết chứng khoán Trung Quốc (CSRC) – nhận xét một số doanh nghiệp nắm trong tay lượng dữ liệu người dùng dồi dào, giống như đang nắm mỏ khoáng sản quý giá vậy. Ông cho rằng giá trị của các doanh nghiệp này do người dùng tạo ra và người dùng phải được chia sẻ lợi nhuận với các doanh nghiệp đó.
Theo ông, các phiếu giảm giá hay trợ giá mà các nền tảng này cung cấp vào thời kỳ đầu phát triển được sử dụng như một cách tiếp thị nhiều hơn. Là người tạo ra giá trị thực sự cho doanh nghiệp, người dùng không được chia sẻ lợi ích từ doanh thu mà doanh nghiệp kiếm được.
Ông Yao Qian nói chính phủ nên nghiên cứu kỹ lưỡng việc có cần phải đánh thuế kỹ thuật số đối với các doanh nghiệp như vậy hay không, giống như họ vẫn đánh thuế lên tài nguyên thiên nhiên.
Trung Quốc đang tăng cường giám sát những hãng công nghệ lớn, bao gồm Alibaba và Tencent. Nhiều công ty trong số này thu thập lượng lớn dữ liệu người dùng trong khi cung cấp dịch vụ. Việc sử dụng các dữ liệu khách hàng đã trở thành vấn đề nhức nhối đối với chính phủ. Ông Guo Shuqing, người đứng đầu Ủy ban điều tiết Ngân hàng và bảo hiểm Trung Quốc, cho biết cần làm rõ quyền dữ liệu vì họ xem dữ liệu như một đóng góp cho nền kinh tế, cũng như lao động và nguồn vốn.
Du Lam (Theo Reuters)
Người Trung Quốc thích giao dịch điện tử, có nguy cơ từ chối tiền mặt
Hình thức thanh toán phổ biến ở Trung Quốc hiện nay là thông qua mã vạch hoặc các ứng dụng thanh toán trực tuyến, như Alipay của Ant Group hay Tenpay của Tencent. Xu hướng này dẫn đến dấu hiệu từ chối nhận bằng tiền mặt.