Khi Việt Nam đang dường như tăng cường mối quan hệ với Hoa Kỳ, Trung Quốc muốn “nắn gân” trở lại đối với Việt Nam. Đó là chưa kể những đối tác truyền thống với Việt Nam như Nga, Ấn Độ, đang có xu hướng xích lại với Trung Quốc do những tính toán chiến lược của họ, vì thế, đây là thời điểm tốt để Trung Quốc ra tay với Việt Nam.
Mấy ngày gần đây, sự kiện Trung Quốc mang giàn khoan HD 981 ra đặt tại khu vực cách đảo Lý Sơn 122 hải lý, cách Tri tôn – một cấu trúc địa lý thuộc quần đảo Hoàng Sa 17 hải lý, khu vực này nằm trong giới hạn 200 hải lý – vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo quy định của Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc đã gây ra sự phẫn nộ cho người dân Việt Nam.
Sự leo thang quan trọng trong tham vọng của Trung Quốc
Đây tuy không phải là sự kiện bắt đầu trong một chuỗi những hành động “hung hăng” của Trung quốc trên nhiều vùng biển, nhưng lại là một sự kiện đánh dấu sự “leo thang” quan trọng trong các hành động của họ.
Ngay trong năm nay, phía Trung Quốc đã cho nhiều tàu bao vây khu vực bãi Cỏ Mây – đang do lực lượng phía Philippines kiểm soát, rồi nhiều tàu vũ trang của Trung Quốc đã xâm nhập khu vực thuộc bãi ngầm Tăng Mẫu – đây là khu vực Malaysia yêu sách, và Trung Quốc cũng đã nhiều lần cho các tàu vũ trang xâm nhập khu vực Natuna của Indonesia, mà Trung Quốc cũng đòi thuộc “chủ quyền” của họ, trong cái gọi là “yêu sách đường lưỡi bò”.
Giàn khoan CNOOC 981. Ảnh: THX |
Năm 2012, Trung Quốc đã cho nhiều tàu bao vây khu vực bãi ngầm Scarborough – lúc đó đang do phía Philippines kiểm soát, và qua chiến thuật mà phía Trung Quốc tổng kết gọi là “chiến thuật cải bắp” đã dần dần vô hiệu hóa và đẩy các tàu của Philippines, vốn rất yếu hơn so với Trung Quốc, phải rời khỏi khu vực Scarborough, “nhường quyền kiểm soát thực tế” cho phía Trung Quốc. Và Trung Quốc cũng đang tích cực áp dụng chiến thuật này khi bao vây bãi Cỏ Mây.
Xem xét lại các hành động của Trung Quốc trong việc kéo giàn khoan, và tấn công các tàu của cảnh sát biển cùng với kiểm ngư khi họ kêu gọi phía Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, ta thấy, “chiến thuật bắp cải” đang được lặp lại nơi đây.
Tham vọng của Trung Quốc đối với biển Đông đã được phía Trung Quốc “ngụy trang” dưới cái gọi là “yêu sách đường lưỡi bò”, mặc dù đường lưỡi bò này đã bị quốc tế phản đối quyết liệt, nhưng Trung Quốc muốn biến nó thành sự đã rồi qua các hành động thực tế bằng vũ lực của họ.
Thời điểm để họ chọn lựa khi đưa giàn khoan này vào chắc có lẽ có ý nghĩa cả trên bình diện quốc tế lẫn nội địa của họ, cũng như tình hình khu vực và Việt Nam.
Trên bình diện quốc tế, đây có lẽ là phản ứng của Trung Quốc sau cuộc viếng thăm 4 nước châu Á của Tổng thống Mỹ Barrack Obama, qua hành động này, Trung Quốc muốn khẳng định vị trí “bá chủ” của họ tại khu vực châu Á, và sẵn sàng phản ứng lại chính sách “Tái cân bằng quyền lực ở châu Á” của Washington, cũng như nhắc nhở các quốc gia châu Á, trong đó có cả các nước ASEAN trực tiếp tham gia trong tranh chấp biển Đông về “sức mạnh dưới áp lực đe dọa” của Trung Quốc.
Về mặt nội địa, sự phát triển “thần kỳ” của Trung Quốc đang bộc lộ những điểm yếu, các nhà nghiên cứu phương Tây đang nói tới những chỉ dấu cho cuộc “khủng hoảng kinh tế” ở Trung Quốc.
Bên cạnh đó, những mâu thuẫn âm ỉ trong lòng xã hội Trung Quốc, như ở Tân Cương, đang có nguy cơ “bùng phát”. Chính phủ Trung Quốc cũng muốn “khỏa lấp” những vấn đề nội địa ấy bằng việc gây căng thẳng trở lại ở biển Đông, kéo dư luận ra khỏi những vấn đề nội địa.
Và cũng nhân đây, khi Việt Nam cũng đang gặp những khó khăn trong phát triển kinh tế, mà Việt Nam đang dường như tăng cường mối quan hệ với Hoa Kỳ, vì thế Trung Quốc muốn “nắn gân” trở lại đối với Việt Nam. Đó là chưa kể những đối tác truyền thống với Việt Nam như Nga, Ấn Độ, đang có xu hướng xích lại với Trung Quốc do những tính toán chiến lược của họ, vì thế, đây là thời điểm tốt để Trung Quốc ra tay với Việt Nam.
Trung Quốc đang phát huy sở trường của họ, với lực lượng đông, trang thiết bị hiện đại hơn hẳn phía Việt Nam. Phía Việt Nam điều khoảng 30 tàu của lực lượng Cảnh sát biển và Kiểm ngư tới hiện trường thì Trung Quốc điều 80 tàu, trong đó bao gồm cả các tàu tuần tiễu có chức năng săn tàu ngầm, tàu khu trục và nhiều tàu hộ tống. Các thủy thủ Trung Quốc đã hung hãn xịt vòi rồng, đâm thẳng vào các tàu của phía Việt Nam.
Với các hành động như vậy, Trung Quốc đã không những không thèm đếm xỉa đến luật pháp quốc tế, mà còn đang chà đạp lên luật pháp quốc tế.
Tái diễn Scarborough?
Tuy nhiên, vấn đề là liệu Trung Quốc có thành công với sự kiện này như đối với sự kiện Scarborough?
Việt Nam một mặt phải kiềm chế, không thể manh động dù trước một Trung Quốc hung hãn đang “xâm lăng” lãnh thổ của mình, vì đó là tạo cớ cho Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động xâm lược. Nhưng mặt khác, Việt Nam thừa hiểu rằng, nếu không đuổi được giàn khoan 981 này ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của mình, tức là điều đó sẽ mở màn cho những sự xâm lăng kế tiếp, với mức độ leo thang hơn nhiều cho với sự kiện này.
Trung Quốc sẽ tiếp tục gia tăng sức ép lên phía Việt Nam, các nhà nghiên cứu đã nói tới chiến lược của Trung Quốc trong việc giành quyền kiểm soát biển Đông mà không cần phải sử dụng biện pháp quân sự, mà họ tập trung vào 3 cuộc chiến: luật pháp, truyền thông và tâm lý. Trung Quốc sẽ gia tăng các biện pháp đe dọa, trừng phạt thậm chí sẵn sàng thực hiện xung đột quân sự, qua đó sẽ ép Việt Nam phải chấp nhận giải pháp của họ, đó là “chủ quyền thuộc ta, gác tranh chấp, cùng khai thác”.
Chấp nhận giải pháp này của họ tức là chấp nhận việc công nhận chủ quyền của Trung Quốc, và “gác tranh chấp, cùng khai thác” ngay trên vùng biển thuộc quyền quản lý của Việt Nam đã được luật pháp quốc tế thừa nhận. Đây là điều chúng ta kiên quyết không thể chấp nhận.
Không còn thời gian cho việc đổ lỗi cho ai, việc cần thiết lúc này là Việt Nam cần phải có một giải pháp toàn diện để phản ứng một cách thích hợp trước các hành động hung hãn này từ phía Trung Quốc. Giải pháp ấy phải đến từ cả chính sách đối ngoại, chính sách phát triển kinh tế, quốc phòng, cùng với các phương án pháp lý.
Về đối ngoại, Việt Nam cần làm cho thế giới hiểu rõ hơn về tham vọng của Trung Quốc. Tham vọng của Trung Quốc cho thấy ở đây không chỉ đơn thuần là một tranh chấp lãnh thổ về chủ quyền của hai bên đối với quần đảo Hoàng Sa, thậm chí cả Trường Sa, mà là một Trung Quốc muốn bành trướng lãnh thổ với toàn bộ biển Đông, biển Hoa Đông.
Về nội lực, cần phải tranh thủ được sức mạnh của toàn dân, “chính sách đối ngoại là sự nối dài của chính sách đối nội” cho nên Việt Nam cần kiên trì cuộc cải cách sâu rộng theo hướng đảm bảo thực sự “nhà nước pháp quyền”, thượng tôn pháp luật, minh bạch mọi vấn đề quan trọng của đất nước. Lịch sử xưa nay cho thấy, những khi trong nhà không êm ấm, sẽ là cơ hội để kẻ thù dễ dàng xâm lăng
Hoàng Việt