Hai ông Donald Trump và Kim Jong Un đang ở trung tâm sân khấu giữa lúc các hoạt động chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều đang diễn ra rốt ráo. Từ bên cánh gà, ông Tập Cận Bình cũng nắm giữ một vai trò chủ chốt.
Mãi cho tới gần đây, Trung Quốc dường như vẫn chia sẻ với Washington lo ngại về các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng. Bắc Kinh thậm chí ủng hộ các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với đất nước đồng minh.
Chủ tịch Tập Cận Bình đón tiếp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un ở Bắc Kinh. (Ảnh: KCNA) |
Nhưng đến tháng 3 vừa qua, khi Tổng thống Trump chấp nhận lời mời của Chủ tịch Kim Jong Un về một cuộc gặp gỡ trực tiếp thì Trung Quốc ngay lập tức thay đổi chiến lược. Thay vì gia tăng áp lực, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đón Kim Jong Un tới Bắc Kinh.
Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của nhà lãnh đạo trẻ Triều Tiên kể từ khi lên nắm quyền lực năm 2011. Ông Kim đi bằng tàu hỏa bọc thép và được đón tiếp nồng nhiệt ở Đại lễ đường Nhân dân. Sự kiện này được cho là xóa tan băng giá giữa hai nước. Sau đó, hai nhà lãnh đạo tiếp tục có cuộc gặp ở miền đông bắc Trung Quốc vào đầu tháng 5. Hình ảnh chính thức được công bố cho thấy họ vui vẻ dạo bộ dọc bờ biển.
Sau đó, Tổng thống Trump phàn nàn ông không hay biết gì về cuộc gặp thứ 2 của lãnh đạo Trung - Triều, và cảnh báo Bắc Kinh có thể đang gây ảnh hưởng để ông Kim nêu ra các yêu sách của mình.
Bản thân ông Trump đã gặp gỡ và trò chuyện với ông Tập Cận Bình nhiều lần, do vậy Kim Jong Un có thể tìm kiếm lời khuyên từ Chủ tịch Trung Quốc về đàm phán với Tổng thống Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. |
Với hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim được xác định vào ngày 12/6 ở Singapore, Trung Quốc đóng vai trò ngày càng lớn trong các hoạt động ngoại giao hướng tới phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.
Tạp chí Los Angeles Times liệt kê một số lý do mà giới phân tích nêu ra giải thích vì sao Trung Quốc nhanh chóng thay đổi chính sách với Triều Tiên và tác động của việc này đối với Mỹ.
Về ngắn hạn, các lãnh đạo Trung Quốc lo ngại bị gạt ra bên lề khi Kim Jong Un đạt một thỏa thuận nào đó với ông Trump mà sẽ làm thay đổi nguyên trạng ở biên giới nước này với Triều Tiên.
Nhưng điều đáng ngại với các nhà hoạch định chính sách Mỹ là Trung Quốc dường như "chốt" rằng bất kỳ một thỏa thuận giải giáp hạt nhân tiềm tàng nào đều đòi hỏi Mỹ phải có một số nhượng bộ - và những nhượng bộ đó khả năng sẽ làm suy yếu vị thế quân sự của Mỹ ở bán đảo Triều Tiên và trên toàn châu Á.
Chẳng hạn, một kết quả tiềm năng của hội nghị thượng đỉnh ở Singapore sẽ là thỏa thuận chính thức chấm dứt cuộc chiến Triều Tiên - vốn mới chỉ tạm dừng bằng thỏa thuận ngừng bắn năm 1953. Tổng thống Trump đã ngụ ý ông muốn rút quân về nước, viện dẫn chi phí đắt đỏ khi triển khai binh lính ở nước ngoài, và dấu chấm hết cho chiến tranh liên Triều có thể càng đẩy nhanh quyết định này.
Bất cứ điều gì khiến Mỹ giảm bớt hiện diện và sức mạnh ở tây Thái Bình Dương – chẳng hạn như rút một phần hoặc toàn bộ 30.000 lính Mỹ khỏi Hàn Quốc, hoặc rút các hệ thống phòng thủ tên lửa khỏi khu vực - sẽ càng tạo điều kiện cho Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng.
Ông Tập Cận Bình dường như đã đạt được mục tiêu ngắn hạn của Bắc Kinh, đó là tái khẳng định vai trò không thể thiếu của Trung Quốc trong đàm phán bất kỳ sự thay đổi nào về hiện thực địa chính trị châu Á.
Về phần mình, Kim Jong Un dường như muốn tận dụng cuộc gặp với ông Trump làm lợi thế củng cố quan hệ với Trung Quốc, hoặc ít nhất là đưa hai nước trở lại mối quan hệ đối tác chiến lược và kinh tế như đã từng có nhiều năm qua.
LA Times dẫn lời một số chuyên gia cho rằng, Kim Jong Un dường như quyết định muốn Trung Quốc "chống lưng" vì biết rõ không có Bắc Kinh thì không thể thành công. Trong khi đó, một hội nghị làm dịu căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên rõ ràng cũng rất có lợi cho Trung Quốc. Và kể cả nếu hai miền Triều Tiên rốt cuộc sẽ thống nhất thì Trung Quốc vẫn được lợi.
Giới phân tích nhận định, viễn cảnh xấu nhất là thượng đỉnh Trump-Kim thất bại và Mỹ tiến hành một cuộc tấn công phủ đầu vào các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên. Nhưng từ quan điểm của Trung Quốc, điều tồi tệ nhất có thể là một thỏa thuận về giải giáp hạt nhân nhanh chóng mà không tính đến các lợi ích chiến lược của cường quốc này, cụ thể là giảm bớt các lực lượng Mỹ trong khu vực.
Thanh Hảo
Ông Trump bất ngờ khen ông Tập Cận Bình hết lời
Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng ông Tập Cận Bình đã giúp Mỹ nhiều hơn so với bất kỳ Chủ tịch Trung Quốc nào trong lịch sử.
Kim Jong Un gặp ông Tập Cận Bình
Tân Hoa xã sáng nay (28/3) chính thức xác nhận nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã có chuyến thăm bất ngờ tới Trung Quốc.
Thăm nơi ông Trump dự kiến nghỉ khi gặp Kim Jong Un
Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều khả năng sẽ nghỉ lại tại khách sạn 5 sao Shangri-La, khi tới dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Singapore vào ngày 12/6 tới.
Ông Trump khẳng định sẽ gặp Kim Jong Un vào ngày 12/6
Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un sẽ diễn ra vào ngày 12/6 tại Singapore như kế hoạch.
Kim Jong Un tái cam kết phi hạt nhân hóa, sẵn sàng gặp ông Trump
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vừa tái khẳng định phi hạt nhân hóa và sẵn sàng tổ chức một hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump