Theo SCMP, nhóm các nhà nghiên cứu tên lửa chạy bằng nhiên liệu rắn phóng từ dưới nước là một trong số 10 đề cử sẽ nhận được Giải thưởng quốc gia cho những sáng tạo xuất sắc.
Tuy nhiên, như tờ Thời báo Hoàn cầu viết, Bộ Quốc phòng Trung Quốc chưa bao giờ trực tiếp công nhận sự tồn tại của tên lửa JL-3.
Theo Sputniks, tên lửa JL-3 còn gọi là “Sóng lớn”, được cho là được thiết kế dành riêng cho tàu ngầm hạt nhân Type 096 mới của hải quân Trung Quốc.
Tên lửa này có thể bay xa 11.989 km, có khả năng chạm tới Mỹ nếu được phóng từ bờ biển Trung Quốc. Loại này có thể bay xa hơn nhiều tên lửa trước đó là JL-2 với tầm xa 8.046 km. Hải quân Trung Quốc đã vài lần thử nghiệm tên lửa trên vào năm 2018 và 2019.
Các nhà quan sát quân sự Trung Quốc cho hay, các vụ thử tên lửa trên của Trung Quốc là nhằm đáp trả việc Tổng thống Mỹ Donald Trump nhắm vào nước này trong chiến dịch lá chắn của ông.
Tên lửa hoạt động bằng nhiên liệu rắn, tầm xa liên lục địa JL-3 ước tính sẽ được hợp nhất với tàu ngầm thế hệ mới Type 096 vào năm 2025.
Giải thưởng quốc gia cho những sáng tạo xuất sắc của Trung Quốc bắt đầu vào năm 2017 và cứ ba năm một lần lại trao giải cho các nhà khoa học hàng đầu đất nước. Tính tổng số, năm nay, sẽ có 300 nhà khoa học, các nhóm nghiên cứu sẽ được nhận giải, gồm cả cá chuyên gia y tế đi đầu trong nỗ lực đối phó với đại dịch Covid-19, các nhà thiết kế trạm đỗ không gian và các nhà khoa học chịu trách nhiệm về vũ khí siêu thanh đầu tiên của Trung Quốc.
Các đề cử sẽ được các chuyên gia thuộc Hiệp hội Khoa học và Công nghệ Trung Quốc – một tổ chức phi chính phủ, đánh giá và công bố giải vào ngày 18/5 tới.
Minh Hải