Theo báo cáo của Vinachem, với tư cách tổng thầu EPC nhà máy đạm Ninh Bình, Tổng công ty Thiết kế và thầu khoán Hoàn Cầu (Trung Quốc) đã không phối hợp với Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) giải quyết các tồn tại của dự án như thanh toán chi phí than cho việc chạy thử vượt hợp đồng, chi phí chạy thử nhà máy lần 2.

Báo cáo nêu rõ: Nhà thầu Trung Quốc này cũng không thực hiện nghĩa vụ nộp phạt chậm tiến độ thực hiện hợp đồng (16 tháng), không hoàn thiện hồ sơ máy móc, thiết bị, vật tư nhập khẩu theo hợp đồng EPC, không bàn giao hồ sơ hoàn công và hồ sơ gốc CO, CQ để lập quyết toán A-B.

Trước tình hình đó, Vinachem đã đề xuất giải pháp thuê kiểm toán độc lập thực hiện kiểm toán, xác định giá trị đề nghị quyết toán, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và ghi rõ nội dung nhà thầu không hợp tác để quyết toán dự án. 

{keywords}
Nhà máy đạm Ninh Bình vốn đầu tư 12 nghìn tỷ, từng phải nằm đắp chiếu, mới hoạt động trở lại. Ảnh: Lương Bằng

Vinachem đã xin ý kiến Bộ Xây dựng về việc lập bản vẽ hoàn công và quyết toán dự án theo hướng thuê đơn vị tư vấn lập và quản lý dự án ký. Bộ Xây dựng có ý kiến đề xuất trên là không đủ cơ sở pháp lý theo Nghị định số 2019/2004/NĐ-COP.

Do vậy, Bộ Xây dựng cho rằng hồ sơ thực tế đã thực hiện chưa đủ căn cứ pháp lý để lập hồ sơ quyết toán và không đủ cơ sở pháp lý để chủ đầu tư thực hiện tự quyết toán.

Trước đó, Vinachem đã có văn bản gửi Kiểm toán Nhà nước về việc hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện kiểm toán dự án do đơn vị tư vấn kiểm toán độc lập đã từ chối đưa ra báo cáo kết quả kiểm toán.

Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội hồi tháng 5 năm nay cũng đánh giá: Dự án đạm Ninh Bình hiện còn nhiều khó khăn, đặc biệt là các vấn đề về: Chưa xử lý được tranh chấp hợp đồng EPC do vậy chưa quyết toán được; Khó khăn về dòng tiền nên chưa đáp ứng được chi phí để sửa chữa, bảo dưỡng và mua vật tư dự phòng dẫn đến hệ thống thiết bị còn nhiều sự cố phải dừng máy dài ngày để sửa chữa, giảm sản lượng sản xuất và cơ hội bán hàng; thiếu cán bộ công nhân lành nghề do điều kiện công ty khó khăn nên nhiều cán bộ công nhân đã chuyển công tác.

Tình trạng này kéo dài sẽ khó bảo đảm mục tiêu xử lý dứt điểm dự án, vận hành ổn định và có hiệu quả nhà máy rồi cổ phần hóa, thoái vốn trong năm 2020 như đã đề ra tại Quyết định số 1468/QĐ-TTg.

Do vậy, việc xử lý sắp tới theo hướng tập trung xử lý dứt điểm vấn đề tranh chấp hợp đồng EPC để có thể quyết toán hợp đồng EPC và quyết toán toàn bộ dự án. Trường hợp hai bên không thống nhất giải quyết được các vấn đề vướng mắc, cần đưa ra bên thứ ba (cơ quan trọng tài) để phân xử, xác định trách nhiệm cụ thể của các bên.

"Thực hiện việc điều tra, truy tố, xét xử nếu thấy có dấu hiệu vi phạm để để xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân vi phạm, đặc biệt là trách nhiệm đối với phần tài sản bị thất thoát, thiệt hại do vi phạm gây ra", báo cáo nêu rõ.

Trên cơ sở kết luận của cơ quan trọng tài về tranh chấp hợp đồng EPC và trách nhiệm các bên trong hợp đồng EPC, kết luận của cơ quan điều tra xét xử về vi phạm và trách nhiệm về thiệt hại do vi phạm gây ra của tổ chức, cán nhân có liên quan trong dự án, để từ đó xác định lại giá trị tài sản dự án và tiến hành việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước khỏi dự án.

Hợp đồng EPC dự án Nhà máy đạm Ninh Bình được ký giữa Vinachem và Tổng công ty Thiết kế và thầu khoán Hoàn Cầu ngày 15/11/2007, thời gian thực hiện 42 tháng. Dự án có tổng vốn đầu tư ban đầu khoảng 667 triệu USD, song trong quá trình vận hành thua lỗ triền miên, năm 2018 lỗ 923 tỷ đồng.

Lương Bằng