- Trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại ngày càng leo thang với Mỹ, Trung Quốc lại gặp “ác mộng” mới khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố ý định “khai tử” Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).
Quyết định này sẽ “cởi trói” cho Washington trong cuộc cạnh tranh với Bắc Kinh nhằm chế tạo các loại vũ khí chiến lược bị cấm trong hiệp ước này.
INF do Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và nhà lãnh đạo cuối cùng của Liên Xô Mikhail Gorbachev ký tháng 12/1987, là cách cải thiện mối quan hệ giữa hai nước hướng tới việc chấm dứt Chiến tranh Lạnh. |
INF do Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và nhà lãnh đạo cuối cùng của Liên Xô Mikhail Gorbachev ký tháng 12/1987, theo đó cấm Washington và Moscow phóng tên tửa hành trình từ mặt đất có tầm bắn từ 500 - 5.500 km. Đây cũng là cách để cải thiện mối quan hệ giữa hai nước hướng tới việc chấm dứt Chiến tranh Lạnh.
Tuy nhiên, từ năm 2011, Moscow và Washington lần lượt cáo buộc lẫn nhau vi phạm INF. Năm 2014, chính quyền Tổng thống Barack Obama đã công khai chỉ trích Nga không tôn trọng các cam kết. Trong một buổi điều trần trước Quốc hội Mỹ vào năm 2017, Phó Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ khẳng định Nga triển khai các loại tên lửa bị cấm ở khu vực thử tên lửa Kapustin Yar và một số địa điểm khác tại Nga. Ngày 20/10 vừa qua, Tổng thống Trump đã thông báo ý định Mỹ rút khỏi INF, với lý do Nga “vi phạm hiệp ước này từ nhiều năm nay” và “chúng ta sẽ không để họ vi phạm một thỏa thuận hạt nhân và chế tạo loại vũ khí mà chúng ta không được phép chế tạo”.
Dù ông Trump đổ lỗi cho các vi phạm tái diễn của Nga, nhưng việc Mỹ rút khỏi INF có lẽ không chỉ nhằm vào Nga, hay các loại vũ khí hạt nhân. Trong kỷ nguyên mới của cuộc cạnh tranh chiến lược, động thái này của ông Trump dường như đang nhằm thẳng vào “trận chiến” giữa Mỹ với Trung Quốc trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, cho thấy Washington đang tăng tốc cuộc đọ sức chiến lược dài hạn với Bắc Kinh.
Trên thực tế, Bắc Kinh không phải là một bên tham gia INF và lâu nay đã đẩy mạnh triển khai phát triển những lực lượng tên lửa "khủng" mới. Trong số đó, phải kể đến tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26 có tầm bắn đối đa 4.000 km, mà Lầu Năm Góc nói rằng có thể đe dọa lãnh thổ Mỹ và cả các lực lượng trên biển ở tận xa như Guam ở Thái Bình Dương của Mỹ. Hệ thống tên lửa này được Trung Quốc triển khai lần đầu tiên vào năm 2016.
Một bài báo trên CNN cho biết quân đội Trung Quốc đã và đang trải qua quá trình hiện đại hóa từ năm 1987, đầu tư hàng tỷ USD vào việc mua sắm và phát triển vũ khí mới. Và lĩnh vực mà Trung Quốc đầu tư mạnh tay là phát triển tên lửa. Một báo cáo của Lầu Năm Góc năm 2018 cho biết Bắc Kinh đã cải thiện đáng kể kho tên lửa hành trình, điều này có thể khiến các tàu chiến của Mỹ khó tiếp cận bờ biển Trung Quốc khi xảy ra giao tranh.
Trước thực tế đó, giới chức chính quyền Tổng thống Trump cho rằng INF đặt Mỹ vào thế bất lợi vì Trung Quốc không phải chịu bất kỳ hạn chế nào về việc phát triển tên lửa hạt nhân tầm trung ở Thái Bình Dương. Hơn thế, hiệp ước này lại không cho phép Mỹ phát triển vũ khí mới. Năm 2017, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương - Đô đốc Harry Harris - thông báo trước Quốc hội Mỹ rằng gần 95% lực lượng tên lửa của Trung Quốc vi phạm INF nếu họ là một bên ký kết hiệp ước này.
Giới chức Mỹ lâu nay vẫn dựa vào những năng lực khác để đối phó với Trung Quốc, như sử dụng tên lửa bắn từ tàu chiến hoặc chiến đấu cơ của Mỹ. Tuy nhiên, những ý kiến ủng hộ việc Mỹ đáp trả bằng tên lửa trên mặt đất cho rằng đó là cách tốt nhất để ngăn chặn Trung Quốc sử dụng các lực lượng tên lửa mặt đất hùng mạnh của họ.
Eric Sayers, một chuyên gia phòng thủ tại Trung tâm An ninh mới của Mỹ, nhận định rằng không quá khó để Mỹ triển khai tên lửa hành trình phóng từ mặt đất gần Trung Quốc, như Nhật Bản hay Philippines, miễn là những nước này chấp nhận. Hơn nữa, việc phát triển tên lửa hành trình phóng từ mặt đất là một lựa chọn tốt hơn vì chi phí sẽ rẻ hơn so với việc phóng tên lửa từ máy bay, tàu chiến và tàu ngầm. Như vậy, việc tham gia INF khiến Mỹ đã bỏ lỡ một loại vũ khí quan trọng để bảo vệ đất nước.
Về phần mình, ông Dan Blumenthal, cựu quan chức Lầu Năm Góc và hiện làm việc tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, cho rằng rút khỏi INF có thể mở đường cho Mỹ triển khai hệ thống tên lửa truyền thống di chuyển trên mặt đất và dễ ẩn giấu hơn đến các vị trí như Guam và Nhật Bản. Khi đó, Trung Quốc sẽ gặp khó khăn hơn khi nghĩ đến việc kích hoạt một cuộc tấn công trước tiên nhằm vào tàu thuyền và căn cứ của Mỹ trong khu vực. Điều này cũng có thể buộc Bắc Kinh dấn thân vào một cuộc đua vũ trang “hao tiền tốn của” và buộc Trung Quốc phải chi tiêu nhiều hơn vào việc phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa.
Thậm chí Australia có thể là một trong những vị trí được Washington "nhắm đến" để triển khai tên lửa của mình. Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng cảnh báo Bắc Kinh chắc chắn sẽ gây sức ép lên các nước ở khu vực để buộc họ từ chối những yêu cầu của Mỹ về lắp đặt tên lửa ngay “sát nách” Trung Quốc.
Các chiến lược gia Trung Quốc từ lâu đã rất lo lắng về kịch bản INF không còn hiệu lực, trong đó các hệ thống phòng thủ của Mỹ và các đồng minh của Mỹ trong khu vực có thể ngăn cản Hải quân Trung Quốc thể hiện sức mạnh vượt biển xa, vượt ra ngoài chuỗi đảo thứ nhất.
Phản ứng trước thông báo mới của Mỹ, Zhao Tong, chuyên gia làm việc tại Viện nghiên cứu Carnegie-Thanh Hoa, cảnh báo hành động này có thể dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang mới, với sự tham gia của các quốc gia khác, ngoài Nga và Mỹ. Theo chuyên gia trên, quyết định “xé bỏ” INF làm suy yếu nghiêm trọng chế độ kiểm soát vũ khí hiện tại, vốn đã tồn tại một cách lỏng lẻo ngay từ những ngày đầu. Bước đi này của Mỹ có thể dẫn đến việc các nước khác sẽ quan tâm hơn đến việc phát triển và triển khai các tên lửa tầm trung và tầm ngắn, cũng như tham gia vào cuộc chạy đua vũ trang ngày càng tăng giữa các cường quốc.
Như vậy, dù đa phần tin tức hiện tập trung vào yếu tố Nga trong quyết định của Mỹ rút khỏi INF, và những thách thức tiềm ẩn đối với châu Âu sau khi hiệp ước này bị “khai tử”, nhưng đừng ngây thơ, bởi trò chơi thực sự đáng xem sẽ diễn ra ở châu Á./.
Diệu An
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: "Người phát bóng"
Nhiều nhà quan sát cuộc chiến tranh thương mại đồng ý rằng Mỹ đang là “người phát bóng” trong cuộc đấu này. Nhưng cuộc chơi vẫn còn dài.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Nhìn từ góc độ chính trị
Cuộc leo thang của Mỹ không chỉ nhằm vào Trung Quốc mà vào tất cả những nước còn lại, kể cả đồng minh của Mỹ.
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung: Bão xa mà gần, đối sách thận trọng
"Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể giống như cơn bão đã ngoài khơi xa. Chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ, bám sát để tham mưu những đối sách thận trọng", đại diện Bộ Kế hoạch và đầu tư, ông Trần Quốc Phương cho biết.
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung: Con bài lợi hại của Bắc Kinh
Trung Quốc hiện nắm giữ hơn 1.000 tỷ USD trái phiếu của Mỹ và điều này thường được gọi là “phương án vũ khí hạt nhân” của Trung Quốc trong cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ.
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung: Những cảnh báo với Việt Nam
Tác động lớn nhất hiện nay không phải ở thương mại hàng hóa mà là ở thị trường tiền tệ.