Những ngày này, bầu không khí ảm đạm đang bao trùm lên tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc. Nhà sản xuất smartphone lớn thứ hai thế giới mất quyền sử dụng hệ điều hành Android của Google và mua chip từ Intel. Các đối tác quốc tế như ARM và Panasonic cũng tuân thủ yêu cầu của Mỹ và "nghỉ chơi" với Huawei.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp thuế trừng phạt 25% lên 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Ông Trump đe dọa sẽ đánh thuế 25% lên 300 tỷ USD hàng hóa khác nhập khẩu từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Hôm 29/5, tờ Nhân Dân nhật báo đăng xã luận với tựa đề: "Mỹ, đừng đánh giá thấp khả năng phản công của Trung Quốc". Báo này viết: "Chúng tôi khuyên Mỹ không nên đánh giá thấp khả năng bảo vệ quyền và lợi ích phát triển của Trung Quốc. Đừng nói là chúng tôi không cảnh báo trước".
Tổng thống Mỹ Donald Trump cấm cửa Huawei, đẩy công ty Trung Quốc đến bờ vực khủng hoảng. Ảnh: PolitiFact. |
Theo The Verge, giới chuyên gia nhận định chắc chắn Trung Quốc muốn trả đũa để hạn chế hậu quả của các đòn trừng phạt từ Mỹ, đồng thời cũng để khẳng định sức mạnh. Tuy nhiên, chính quyền Bắc Kinh không có nhiều vũ khí đủ sức mạnh trong tay.
Trung Quốc mới là nước tấn công thương mại Mỹ trước
Nhà kinh tế kỳ cựu Hosuk Lee-Makiyama nói thẳng: "Trung Quốc có gì để mà trả đũa Mỹ?". Trước đây, chính quyền Bắc Kinh đã áp thuế lên một số mặt hàng Mỹ để bảo vệ nền kinh tế nội địa, đồng thời hạn chế các công ty Internet của Mỹ như Google hay Facebook.
Trên trang Stratechery, chuyên gia Ben Thompson cho rằng trên thực tế chính Trung Quốc mới là nước nổ súng chiến tranh thương mại - công nghệ trước khi cấm cửa hàng loạt tập đoàn công nghệ Mỹ trong nhiều năm qua. Và giờ là lúc Mỹ phản công.
Chuyên gia kinh tế Elliott Zaagman thuộc Viện Lowy đã dành 10 năm qua để nghiên cứu về nền kinh tế Trung Quốc. Theo ông, sự thịnh vượng kinh tế của Trung Quốc là hoàn toàn không bền vững.
Chính quyền Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế hàng quý và các ngân hàng cho vay ồ ạt để đạt bằng được con số đó. Bắc Kinh đã bơm tiền vào nền kinh tế nhiều hơn cả Cục Dự trữ liên bang Mỹ, Ngân hàng Trung ương Nhật và EU cộng lại.
Điều đó gây ra hiện tượng "bong bóng tài sản" độc hại, ví dụ như thị trường nhà đất phát triển quá nóng, giá nhà bị thổi lên mức cao không tưởng, người mua nhà phải vay quá nhiều, không đủ khả năng trả nợ. Chuyên gia Thompson và Lee-Makiyama đánh giá nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với rất nhiều nguy cơ.
Tại một cảng ở Trung Quốc. GDP nước này cần duy trì ở mức 6,5% để đảm bảo sự ổn định. Ảnh: SCMP. |
Theo các chuyên gia, việc trả đũa Mỹ sẽ dẫn tới nhiều nguy cơ bởi nền kinh tế Trung Quốc quá phụ thuộc vào thương mại quốc tế. Chuyên gia Lee-Makiyama nhấn mạnh Trung Quốc buộc phải duy trì tốc độ tăng trưởng tối thiểu 6,5% để đảm bảo sự ổn định.
Tuy nhiên trong quý I/2019, Bắc Kinh cho biết đang duy trì mức tăng trưởng 6,4%. Đây là giai đoạn trước khi mức thuế trừng phạt của Mỹ có hiệu lực. Giới chuyên gia dự báo tăng trưởng Trung Quốc có thể mất khoảng 0,3-0,4% trong năm nay.
Vậy trong "kho vũ khí" của Trung Quốc có những gì ghê gớm để nước này có thể trả đũa Mỹ? Đầu tiên, Trung Quốc đang sở hữu hơn 1.000 tỷ USD trái phiếu chính phủ Mỹ. Bắc Kinh có thể bán tống bán tháo trái phiếu ra thị trường, khiến kinh tế Mỹ chật vật với lãi suất cao.
Tuy nhiên tất cả các nhà kinh tế đều nhấn mạnh nếu sử dụng "bom hạt nhân đó", Trung Quốc cũng sẽ tự tiêu diệt nền kinh tế nước mình. Kinh tế Mỹ suy giảm sẽ dẫn tới tình trạng nhu cầu nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc sụt giảm. Giá đồng USD sụt khiến hàng hóa Trung Quốc càng trở nên kém thu hút.
Vũ khí đất hiếm không quá đặc biệt
Lời cảnh báo có ý nghĩa nhất mà Trung Quốc đưa ra trong những ngày qua không phải là tuyên bố đe dọa đao to búa lớn nào, mà là chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới một cơ sở sản xuất đất hiếm tại nước này.
Trung Quốc hiện là nhà chế biến đất hiếm hàng đầu thế giới. Đây là khoáng chất không thể thiếu để sản xuất điện thoại, laptop, xe thông minh và các thiết bị công nghệ khác.
CEO của 2 công ty sản xuất smartphone Mỹ tiết lộ với The Verge rằng Trung Quốc là nơi duy nhất họ có thể mua nam châm neodymium. Một nói Trung Quốc là bên bán duy nhất, người còn lại cho rằng Trung Quốc chiếm lĩnh 95% thị trường nam châm neodymium.
Nhưng giới nghiên cứu cho rằng đất hiếm không hẳn là một thứ vũ khí hiệu quả như Trung Quốc quảng bá. Đất hiếm thực ra không quá hiếm, nhiều quốc gia trên thế giới có trữ lượng tương đối dồi dào. Việc Trung Quốc hạn chế bán đất hiếm cho Mỹ sẽ dẫn tới việc các nhà sản xuất khác tăng cường khai thác và kinh doanh.
Đồng thời, chiến lược hạn chế bán đất hiếm cũng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới xuất khẩu và cả thị trường lao động của Trung Quốc. Trước đây, Trung Quốc cũng từng dùng đất hiếm làm "vật trao đổi" trong các cuộc đàm phán thương mại với Nhật và Mỹ, nhưng không thành công.
Đất hiếm không phải là vũ khí hiệu quả của Trung Quốc. Ảnh: RFI. |
Điều cuối cùng chính quyền Bắc Kinh có thể làm là đánh thuế trừng phạt hàng hóa Mỹ hoặc cấm vận các công ty Mỹ hoạt động tại Trung Quốc. Hầu như toàn bộ dây chuyền sản xuất của Apple đang được đặt tại Trung Quốc. Khoảng 65% doanh thu của Qualcomm có thể bị ảnh hưởng nếu thương mại với Trung Quốc gián đoạn.
Các công ty công nghệ khác của Mỹ như Broadcom, Micron, AMD, Intel và Texas Instruments cũng sẽ gặp nhiều rắc rối khi doanh thu phụ thuộc đáng kể vào thương mại với Trung Quốc.
Người tiêu dùng Mỹ cũng có thể hứng chịu hậu quả. Theo UBS, hàng nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 26% hàng hóa của Walmart, trong khi ở Target là 34%. Khảo sát của UBS cho rằng thuế trừng phạt của Tổng thống Trump lên hàng hóa Trung Quốc có thể ảnh hưởng tiêu cực tới 12.000 cửa hàng bán lẻ tại Mỹ.
Hiệp hội Hàng may mặc và giày dép Mỹ cảnh báo các mức thuế trừng phạt mới sẽ "là thảm họa" với nền kinh tế lớn nhất thế giới. Một lệnh cấm hoàn toàn của Trung Quốc có thể khiến vết thương với nền kinh tế Mỹ trở nên nghiêm trọng hơn. Đây có thể là vũ khí đàm phán hiệu quả nhất của Trung Quốc.
Tốt nhất là im lặng
Tuy nhiên, các nhà kinh tế khẳng định vấn đề là Trung Quốc cũng sẽ tự làm tổn thương nền kinh tế nước mình khi thực hiện các biện pháp này. Theo chuyên gia Lee-Makiyama, việc Trung Quốc lựa chọn cắt đứt hoặc hạn chế thương mại với Mỹ sẽ chỉ gây hậu quả nghiêm trọng với nền kinh tế.
Dù thị trường nội địa phát triển mạnh, Trung Quốc vẫn cần người tiêu dùng quốc tế để bán hàng hóa và dịch vụ.Và những ông lớn Mỹ như Apple, Nike, General Motors và Walmart đang thuê mướn hàng triệu công nhân của Trung Quốc.
Vì vậy, Tổng thống Mỹ Donald Trump hoàn toàn có đủ điều kiện để cứng rắn với Trung Quốc. Chuyên gia Lee-Makiyama cho biết GDP Mỹ có thể giảm từ 3% xuống 2% vì trừng phạt Trung Quốc, nhưng ảnh hưởng sẽ không quá nghiêm trọng. Ngược lại, GDP Trung Quốc sụt giảm 1% là một thảm họa.
Huawei đang đối mặt với tương lai ảm đạm sau khi bị Mỹ cô lập. Ảnh: ZDNet. |
Theo chuyên gia Elliott Zaagman, chính quyền Trung Quốc đã hoàn toàn bị bất ngờ với hành động mạnh tay của ông Trump. Do đó, Bắc Kinh không đưa ra được một chiến lược phản công nào hiệu quả.
Chuyên gia Lee-Makiyama và Zaagman cho rằng điều tốt nhất Trung Quốc có thể làm vào lúc này là "không làm gì cả", im lặng và không thực hiện các đòn trả đũa Mỹ một cách thiếu hiệu quả, thậm chí tự làm tổn thương nền kinh tế nước mình.
Và thực tế là cú đòn của chính quyền ông Trump đã khiến Trung Quốc lao đao rồi, sự tổn hại đã xảy ra. Các nhà đầu tư từ Thung lũng Silicon đang tìm kiếm các công ty khởi nghiệp “chơi thân” với Trung Quốc ở mức độ thấp nhất. Nhiều tập đoàn sản xuất lớn của Mỹ đang lựa chọn Việt Nam hoặc Mexico để đầu tư, thay cho Trung Quốc.
Và trong cuộc chiến thương mại cân não này, Trung Quốc không có được một vũ khí thật sự đủ hiệu quả nào để đáp trả Mỹ mà không khiến nền kinh tế nước mình đau đớn thêm.