Những hành động liều lĩnh trong thời gian gần đây khiến lời hứa ổn định và thịnh vượng Trung Quốc trình làng từ thập kỷ trở lại đây bị đặt dưới chấm hỏi lớn.
Kết thúc chuyến đi năm ngày tới 3 nước Đông Nam Á Indonesia, Brunei và Malaysia, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì nhân định rằng mối quan hệ Trung Quốc - ASEAN đang tiếp tục phát triển khi ASEAN trở thành đối tác thương mại lớn thứ ba của Trung Quốc. Ngoại trưởng Dương còn tin rằng quan hệ sẽ tiếp tục được cải thiện tích cực với việc cam kết của nước này trong vai trò tác nhân ổn định, duy trì hòa bình và ổn định tại vùng. Tuy vậy, ngược lại với ngôn từ trên bàn ngoại giao, Trung Quốc đang ngày càng thể hiện một phương thức tiếp cận thô bạo hơn trong vấn đề biển Đông. Những hành động liều lĩnh trong thời gian gần đây khiến lời hứa ổn định và thịnh vượng của nước này trình làng từ thập kỷ trở lại đây bị đặt dưới chấm hỏi lớn.
Chiến lược "phát triển hòa bình" đã đổ vỡ?
Được đề cập chính thức từ tháng 10/2003 tại diễn đàn Bác Ngao bởi giáo sư Trịnh Tất Nhiên, chỉ một năm sau khái niệm "phát triển hòa bình" đã được đưa vào chính sách đối ngoại của Trung Quốc và thường xuyên được đề cập trên báo chí và các diễn đàn quốc tế.
Với chiến lược "phát triển hòa bình", Trung Quốc xem đây là cơ hội để nước này giải trừ mối lo ngại của cộng đồng quốc tế về mối đe dọa khi nước này lớn mạnh. Nói cách khác, đây là lời cam kết của Trung Quốc với thế giới về sự hội nhập tích cực và mang tính xây dựng tại khu vực.
Tuy nhiên, cho đến nay chiến lược "phát triển hòa bình" ngày càng lộ rõ là lời vỗ về, an ủi được gói ghém khéo léo dưới lớp vỏ bọc mang tính hiền hòa, vô hại. Lời tuyên bố rằng Trung Quốc không đe dọa ai, không xưng bá hoàn toàn đi ngược lại với thái độ và hành động của nước này tại biển Đông.
Từ "phát minh" chủ quyền lịch sử đối với 80% diện tích biển Đông (đường lưỡi bò), Trung Quốc tiếp tục thành lập "Tam Sa", tăng cường các tàu hải giám, ngư chính để đánh đuổi các tàu thuyền đánh cá của các nước khác. Ngoài ra, Trung Quốc còn ngang nhiên vi phạm UNCLOS, không tuân thủ DOC và dùng chiêu bài kinh tế để lôi kéo một số nước ASEAN ngả về phía mình. Bằng cách này, Trung Quốc đang xem mình như một "trọng tài kiêm cảnh sát biển" tại biển Đông. Ở đó, luật quốc tế được hiểu và thực thi theo cách của Trung Quốc; an ninh khu vực biển Đông phải do Trung Quốc kiểm soát.
Một hình ảnh Trung Quốc ôn hòa như tuyên bố "phát triển hòa bình" hiện nay không thể xóa đi một hình ảnh Trung Quốc hiếu chiến với lời lẽ đanh thép, thái độ quá đáng và các hành động ngày càng thiếu tính kiềm chế. Cộng đồng khu vực và thế giới lo ngại liệu các cam kết của Trung Quốc chỉ là "lời nói gió bay". Chính sách "giấu mình chờ thời" của Trung Quốc đã sớm tan thành bọt biển.
Những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông cho thấy thực chất đằng sau tuyên bố phát triển hòa bình.. |
Mất "nhân hòa"
Những hành động đầy khiêu khích của Trung Quốc khiến cho tâm lý nghi ngại dâng cao tại các nước láng giềng xung quanh, đặc biệt tại khu vực ASEAN. Chủ nghĩa dân tộc "Đại Hán" đang được chính phủ Trung Quốc sử dụng như là một con bài để có thế thu hút được sự ủng hộ của dân chúng, cũng như phần nào đó chuyển hướng sự chú ý của dư luân trong nước ra bên ngoài trong bối cảnh hàng loạt những xì-căng-đan nổ ra gần đây.
Bắc Kinh đang chật vật để giữ "nhân hòa" trong chính bên trong của mình. Quá trình phát triển quá nhanh và quá nóng của nền kinh tế đã tạo ra nhiều mặt trái mà Trung Quốc hiện nay đang phải đối mặt và tập trung giải quyết. Bất ổn xã hội là điều mà những nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc hoàn toàn muốn tránh, nhất là khi Đại hội Đảng toàn quốc sắp diễn ra. Không gì tuyệt vời hơn việc khích lệ đoàn kết trong dân chúng bằng các vấn đề chủ quyền.
Tuy nhiên việc sử dụng chủ nghĩa dân tộc lai có mặt trái: nó khiến cho những sự lựa chọn bị giới hạn và không cách nào khác hơn là chính quyền Bắc Kinh phải đi theo sự lựa chọn của mình tới cùng.
Chính sự lựa chọn bị giới hạn đó đã đẩy căng thẳng tại biển Đông leo thang và khiến cho các nước láng giềng xung quanh mất đi sự tin tưởng vào Trung Quốc. Có vẻ như với bất kỳ ai, Bắc Kinh cũng luôn muốn "gây sự", từ các nước yếu hơn nhiều như Việt Nam, Philippines đến các nước lớn hơn như Ấn Độ, Nhật Bản và thậm chí là Nga.
Sự thèm khát tài nguyên cũng như tâm lý muốn khẳng định chính mình, tâm lý của một quốc gia nằm ở "trung tâm thế giới" vốn đã bị chèn ép từ quá lâu, sự tự ti, những đặc điểm ấy đã khiến cho Trung Quốc có những hành động bộc lộ bản thân như hiện nay.
Từ việc mất đi "nhân hòa" trong nước cho đến "nhân hòa" với các nước láng giềng, đó là một chuỗi các nguyên nhân và hệ quả. Phải nhớ rằng, niềm tin là thứ khó có thể lấy lại được, một khi đã bị mất đi.
Cán cân lực lượng đang thay đổi
Nếu Trung Quốc kiềm chế, có lẽ châu Á - Thái Bình Dương sẽ là nơi Trung Quốc thể hiện hình ảnh tích cực và vị thế nước lớn có trách nhiệm của mình. Tiếc thay, Trung Quốc đã không theo kịch bản ấy.
Các phản ứng gay gắt và căng thẳng do Trung Quốc châm ngòi trên biển Đông từ năm 2008 đã nhận được lời đáp trả của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tại Hà Nội (2010) với lời nhấn mạnh rằng tự do đi lại ở biển Đông là "lợi ích quốc gia" của Mỹ. Mỹ cũng tích cực bố trí quân sự và lực lượng tại khu vực với kế hoạch đưa gần 60% lực lượng hải quân.
Châu Á - Thái Bình Dương đang trở lại một kịch bản trước Chiến tranh lạnh với việc các đồng minh chiến lược của Mỹ là Hàn Quốc, Nhật Bản đến Philippines và Úc tạo thành một vòng cung bao lấy Trung Quốc.
Việc Hội nghị Bộ trưởng ASEAN 2012 (AMM-45) kết thúc mà không đạt được thông cáo chung có lẽ là thắng lợi cho Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc đã lầm!
Với vị thế của mình và đối mặt với những hành động của Trung Quốc, ASEAN chắc chắn sẽ tìm ra biện pháp thắt chặt các quan hệ chiến lược mà một hệ thống an ninh mới trong bối cảnh mới là ví dụ. Khi ấy, "chiêu bài chia rẽ ASEAN" của Trung Quốc có nguy cơ trở thành "gậy ông đập lưng ông".
Tính liên kết của ASEAN có thể được củng cố bằng cách duy trì và củng cố quan hệ chiến lược với Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Úc từ ngoại giao, kinh tế đến quốc phòng. Xu thế liên kết này khiến cán cân khu vực đang nghiêng về phía Mỹ, ASEAN và các cường quốc vốn là đồng minh của Mỹ và là những nước luôn nhấn mạnh hòa bình, hợp tác cũng như có các lợi ích chiến lược liên quan mật thiết đến an ninh biển Đông.
Cũng rất dễ nhận ra Trung Quốc đang khiến cụm Mỹ với các đồng minh và ASEAN có khuynh hướng liên kết với nhau. Với việc bất chấp luật quốc tế, tham vọng vô căn cứ và các hành động tăng cường tính khiêu khích như đe dọa dùng quân sự tại biển Đông, Trung Quốc đang tái hiện kịch bản liên minh Thục - Ngô cùng đối phó nước Ngụy trong Tam quốc. Câu chuyện Xích Bích đã quá nổi tiếng với thất bại tan tành của nước Ngụy.
Nếu xử lý không khéo các quan hệ này bằng tham vọng quá đáng và các hành động mang tính hiếu chiến tại biển Đông, Trung Quốc có nguy cơ đẩy mình vào thế tự cô lập bằng việc đẩy ASEAN sát lại gần với Mỹ. Quan hệ ASEAN - Trung Quốc nếu đổ vỡ thì Trung Quốc xem như đã tự chặt mất đôi cánh của mình, khi đánh mất đi một môi trường ổn định và hòa bình cho mục tiêu phát triển kinh tế như Ngoại trưởng Dương đã tuyên bố. Vì vậy, khả năng Trung Quốc có thể cạnh tranh với cán cân còn lại là rất mong manh.
Huỳnh Tâm Sáng