Một phần do các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây nhắm vào Kremlin. Tuy nhiên, động thái cũng cho thấy Trung Quốc đã chọn cách hỗ trợ lĩnh vực công nghệ trong nước, đang bị trấn áp mạnh mẽ vài năm trở lại đây, thay vì mục tiêu chính trị.
Theo dữ liệu công khai mới nhất về thương mại, tháng 3 xuất khẩu laptop từ Trung Quốc sang Nga đã giảm 40% so với trước đó, trong khi smartphone giảm 2/3. Xuất khẩu trang thiết bị viễn thông giảm tới 98%.
Lệnh cấm vận công nghệ đối với Nga có hiệu lực trên toàn thế giới, áp dụng với bất kỳ sản phẩm nào sử dụng trang thiết bị hay phần mềm của Mỹ trong sản xuất vi xử lý máy tính, hay còn gọi là ngành công nghiệp bán dẫn. Giới phân tích cho hay, phần lớn các hãng sản xuất trên toàn cầu, gồm cả Trung Quốc đều đang sử dụng phần mềm hay thiết bị do Mỹ thiết kế.
Mỹ và 37 quốc gia khác thiết lập các lệnh hạn chế thương mại nhằm kiềm toả nền kinh tế công nghệ cao và năng lực quân sự của Nga sau khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra. Các lệnh cấm vận nhằm vào vi xử lý máy tính, thiết bị viễn thông, laser, điện tử hàng không và công nghệ hàng hải.
Các lệnh cấm xuất khẩu không nhằm ngăn chặn sản phẩm tiêu dùng như smartphone và laptop. Dù vậy, nhiều luật sư thương mại cho biết một số công ty đã ngừng xuất khẩu mặt hàng điện tử sang Nga, bất kể mặt hàng riêng lẻ có vi phạm quy định hay không.
Hàng loạt công ty công nghệ tại Mỹ, Hàn Quốc và thậm chí Trung Quốc đã thông báo tạm dừng hoạt động kinh doanh tại quốc gia châu Âu này. DJI, nhà sản xuất máy bay không người lái lớn nhất thế giới, là công ty Trung Quốc đầu tiên công khai rút khỏi thị trường Nga.
Áp lực tăng trưởng kinh tế sẽ buộc Trung Quốc nới lỏng trấn áp với ngành công nghệ
Lĩnh vực công nghệ đã trở thành mục tiêu trấn áp của Bắc Kinh vài năm gần đây do sự phát triển quá nóng. Trong 1 năm vừa qua, vốn hoá các ông lớn công nghệ Trung Quốc đều bốc hơi nhanh chóng. Cổ phiếu Tencent, Alibaba và Baidu lao dốc lần lượt 41%, 59% và 37%.
Việc Trung Quốc lựa chọn theo đuổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế hay quan điểm chính trị ủng hộ Nga là câu hỏi mở đối với nhiều nhà hoạch định chính sách phương Tây. Dù vậy, những con số xuất khẩu cho thấy Bắc Kinh ít có khả năng đi ngược lại các lệnh cấm vận nhằm vào Moscow, do lo ngại sự trả đũa từ Mỹ sẽ dẫn đến tụt giảm doanh số công nghệ của các công ty Trung Quốc.
Trước đó, mối quan hệ “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” với phương Tây đã tác động tiêu cực với lĩnh vực công nghệ Trung Quốc. Huawei vẫn nằm trong danh sách cấm vận của Mỹ và bị hạn chế nhiều hoạt động nghiên cứu và phát triển. Đồng thời, bối cảnh quốc tế căng thẳng cũng khiến doanh số bán hàng của nhiều công ty Trung Quốc ở nước ngoài giảm sút.
Không chỉ vậy, chính sách “zero Covid” trong nước cũng tạo ra sức ép to lớn với các công ty công nghệ và toàn nền kinh tế nói chung. Trong một cuộc khảo sát với 97 công ty của Hiệp hội đầu tư mạo hiểm Thâm Quyến thực hiện vào tháng 3, có tới 93% cho biết họ đang chịu thiệt hại nặng nề về kinh tế do đại dịch.
Theo Cục thống kê quốc gia Trung Quốc, trong tháng 4 doanh số bán lẻ đã giảm 11,1% so với cùng kỳ 2021, thấp hơn nhiều so với dự báo 6,1% của các chuyên gia kinh tế và mức giảm 3,5% hồi tháng 3.
Trước những thách thức kinh tế ngày càng hiện hữu, việc rút khỏi thị trường Nga giúp Bắc Kinh giảm thiểu thêm những tác động tiêu cực đối với lĩnh vực công nghệ trong nước, cho thấy Trung Quốc có khả năng sẽ nới lỏng các quy định hơn nữa đối với ngành này nhằm thúc đẩy tăng trưởng.
Vinh Ngô
Anh trừng phạt 2 nhà sản xuất chip quan trọng nhất của Nga
Chính phủ Anh vừa bổ sung 63 pháp nhân Nga vào danh sách cấm vận, trong số này có hai nhà sản xuất chip quan trọng nhất của Nga là Baikal Electronics và MCST.