Ngày 18/11 vừa qua, Bộ Tài chính Trung Quốc đã huy động thành công 4 tỷ euro thông qua một vụ chào bán ba lô trái phiếu chính phủ định danh bằng euro, trong đó bao gồm một lô trái phiếu trị giá 750 triệu euro kỳ hạn 5 năm có mức lãi suất -0,152%.

Theo Deutsche Bank, một trong những ngân hàng giúp dàn xếp giao dịch này, đây là lần đầu tiên chính phủ Trung Quốc phát hành trái phiếu lãi suất âm.

Trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) không bất ngờ trước động thái này của Trung Quốc bởi trái phiếu chính phủ có lãi suất âm đang là một trào lưu trên thế giới và cũng là một thực tế mà các nhà đầu tư phải chấp nhận trong bối cảnh kinh tế bất ổn, thị trường nhiều biến động vì đại dịch Covid-19. 

Theo vị chuyên gia, không riêng gì Trung Quốc, tất cả các nước trên thế giới đều có thể phát hành trái phiếu chính phủ có lãi suất âm, song chủ yếu bằng đồng euro, USD - những đồng tiền mạnh trên thế giới.

"Nếu Trung Quốc phát hành trái phiếu chính phủ định danh bằng đồng nhân dân tệ mà lại có lãi suất âm thì chưa chắc đã hấp dẫn được nhà đầu tư bởi đồng nhân dân tệ không đủ mạnh để có thể chuyển đổi bất kỳ lúc nào. Trong khi đó, những đồng tiền mạnh như euro, USD có thể làm được điều đó.

Đặc biệt, các quỹ hưu trí, hãng bảo hiểm... thường được yêu cầu phải nắm giữ những tài sản đảm bảo có tính thanh khoản cao, mà trái phiếu chính phủ chính là tài sản đảm bảo yên tâm nhất, đáp ứng được yêu cầu đa dạng hóa các tài sản đảm bảo cho các quỹ này hoạt động. 

Khi nắm giữ trái phiếu bằng đồng tiền mạnh như USD, euro, họ có thể chuyển đổi sang tiền mặt ngay lập tức khi cần thiết", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói. 

{keywords}
Bộ Tài chính Trung Quốc huy động thành công 4 tỷ euro thông qua một vụ chào bán ba lô trái phiếu chính phủ định danh bằng euro, bao gồm một lô trái phiếu trị giá 750 triệu euro kỳ hạn 5 năm có mức lãi suất -0,152%. Ảnh: Reuters

Cũng theo vị chuyên gia, thoạt nhìn có vẻ nhà đầu tư mua trái phiếu lãi suất âm sẽ bị thiệt vì giá trị đầu tư bị suy giảm lúc đáo hạn, tuy nhiên thực chất lại được lợi. Trước hết, giá trị tài sản của nhà đầu tư được bảo toàn trong bối cảnh kinh tế thế giới bất ổn.

Thứ hai, khi nền kinh tế của quốc gia phát hành trái phiếu tăng trưởng tốt, giá trị trái phiếu do chính phủ đó phát hành cũng tăng lên, đặc biệt khi trái phiếu đó được định danh bằng một đồng tiền mạnh. Kết quả, trái chủ vẫn được lợi khi bán ra.

Đối với Trung Quốc, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh khẳng định, trái phiếu chính phủ Trung Quốc có sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư dù lâu nay sự thiếu minh bạch trong nền kinh tế Trung Quốc vẫn bị coi là một trở ngại.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, và khi đại dịch hoành hành trên toàn cầu, quốc gia này vẫn giữ vai trò một trong những "đầu tàu" tăng trưởng hiếm hoi của kinh tế thế giới. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tháng trước dự báo Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất tăng trưởng dương năm nay, với 1,9%.

Việc Trung Quốc phát hành thành công trái phiếu bằng đồng euro với lãi suất âm, tức chính phủ nước này được trả tiền khi đi vay, chứng tỏ các nhà đầu tư quốc tế hoàn toàn tự tin vào đà phục hồi kinh tế và quá trình phát triển trong tương lai của Trung Quốc.

Ở góc độ nhà đầu tư, theo vị chuyên gia, các nhà đầu tư châu Âu đang không biết đầu tư vào đâu để phát sinh lợi nhuận. Họ phải tìm đúng chỗ để đầu tư, một trong những nơi đầu tư yên tâm nhất là trái phiếu chính phủ các nước- vừa an toàn vừa dễ dàng chuyển hóa thành tiền. 

Một điểm khác được vị chuyên gia lưu ý, đó là, Trung Quốc nói riêng và một số nước trên thế giới nói chung muốn giảm phụ thuộc vào đồng USD. Do đó, thay vì phát hành trái phiếu bằng đồng USD, các quốc gia này chọn đồng tiền mạnh khác để phát hành trái phiếu, qua đó giảm phụ thuộc vào đồng USD.

"Đồng USD bị chính phủ Mỹ quản lý, họ có thể sử dụng đòn ngắt kết nối hệ thống ngân hàng tại Trung Quốc hay quốc gia khác với hệ thống thanh toán bằng đồng USD để trừng phạt. Chính vì thế, nhiều nước sử dụng euro, yen hay đồng tiền khác thực hiện các giao dịch thanh toán, phát hành trái phiếu chính phủ để tránh sự phong tỏa của Mỹ", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói và nhắc lại dự báo của ông cách đây vài năm về việc đồng USD bị hao mòn vị thế và có thể không còn là đồng tiền chung trong giao thương quốc tế trong tương lai không xa.

Ông cũng nhắc tới thông tin được Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT) cho biết, đó là đồng euro trở thành đồng tiền được sử dụng nhiều nhất cho thanh toán toàn cầu trong tháng 10, đẩy đồng USD xuống hàng thứ 2. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 2/2013 đồng bạc xanh mới lại có một tháng buộc phải chấp nhận về nhì.

(Theo Đất Việt)