TQ sẽ tận dụng tối đa năng lực tài chính để xây dựng “sợi dây kinh tế” nối liền từ Thái Bình Dương đến châu Âu, nối các quốc gia khu vực Trung Á với Nam Á lại với nhau.  

LTS: Siêu dự án “một vành đai, một con đường” One Belt One Road (OBOR) được đánh giá là chiến lược ngoại giao chính của Trung Quốc (TQ) trong 10-15 năm. Theo đó, năm 2013 là năm quy hoạch chính sách, năm 2014 là năm công bố chính sách và 2015 là năm triển khai rầm rộ. 

Tuần Việt Nam xin giới thiệu bài viết 2 kỳ nhằm giúp độc giả hiểu thêm về con đường tơ lụa trên bộ, một trong hai bộ phận của siêu dự án đầy tham vọng của Bắc Kinh.

Tháng 5/2014, tuyến đường sắt cao tốc nối liền cả ba tỉnh Cam Túc, Thanh Hải và Tân Cương – một khu vực địa hình hiểm trở và nghèo khó bậc nhất TQ chính thức được đưa vào sử dụng với chiều dài khoảng 1.776 km, gồm 31 trạm dừng chân.  

“Con đường tơ lụa gang thép” thời hiện đại nối liền hai miền Đông – Tây của TQ này không những có ý nghĩa quốc nội, mà còn với cả khu vực phía Tây của TQ với các nước láng giềng.

{keywords}

Bản đồ Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa. Ảnh: AP

Đầu kéo của siêu dự án 

Nếu so sánh với các địa phương nằm trên tuyến đường tơ lụa đi qua của TQ, Tân Cương có một vị trí địa chính trị và kinh tế vô cùng quan trọng: tiếp giáp với 8 quốc gia trong vùng, có hơn 29 cửa khẩu lớn nhỏ.  

Tân Cương được chính phủ TQ xem như một trung tâm của mọi triển khai chiến lược “con đường tơ lựa trên bộ”. Từ Tân Cương, sẽ có rất nhiều nhánh “vành đai kinh tế” tỏa ra và đi khắp nơi. Nó không chỉ kết nối toàn bộ khu vực Trung Á mà còn là sợi dây nối liền TQ với Nga và châu Âu.

Chính vì vậy, Tân Cương nhận được sự ủng hộ rất lớn từ các lãnh đạo Bắc Kinh. Tính đến hết 2014, đã có khoảng 19 hạng mục hạ tầng được triển khai với tổng mức đầu tư khoản 22,3 tỷ Nhân dân tệ.

Việc xây dựng hệ thống vành đai kinh tế trên cơ sở “con đường tơ lụa trên bộ” bắt đầu từ Tân Cương giúp TQ gỡ được nút thắt lạc hậu về kinh tế, xã hội của toàn bộ khu vực Tây Bắc. Từ đó mở toang cánh cửa đi vào khu vực Trung Á giàu tiềm năng khoáng sản, dầu mỏ. Tân Cương còn hứa hẹn trở thành trung tâm tài chính, trung tâm lưu chuyển hàng hóa lớn nhất khu vực Trung Á.

Thay đổi kết cấu tiền tệ thế giới

Theo truyền thông của Nga, với “con đường tơ lụa trên bộ”, TQ đã quyết tâm đầu tư xây dựng lại toàn bộ cơ sở hạ tầng, đồng thời quy hoạch lại hệ thống giao thông khoa học, hiệu quả, kết nối mạnh mẽ với các nước trong khu vực. Đồng thời trong quá trình thông thương với các nước, TQ sẽ dùng đồng Nhân dân tệ thay thế đồng đô la Mỹ.

Cũng có thể với siêu dự án, Bắc Kinh tham vọng sẽ từng bước xây dựng lại hệ thống kết cấu tiền tệ của thế giới trong tương lai theo hướng có lợi cho mình. Thông qua việc trao đổi thương mại, mậu dịch với các nước, Bắc Kinh muốn áp đặt cuộc chơi bằng cách sử dụng rộng rãi đồng Nhân dân tệ, từng bước “xóa sổ” đồng đô la Mỹ tại khu vực dự án đi qua.

{keywords}

Nếu không có thái độ cầu thị, “siêu dự án” vẫn chỉ là giấc mơ đeo đẳng bao thế hệ lãnh đạo TQ. Ảnh: AP

TQ sẽ tận dụng tối đa năng lực tài chính để xây dựng “sợi dây kinh tế” nối liền từ Thái Bình Dương đến châu Âu, nối các quốc gia khu vực Trung Á với Nam Á lại với nhau. Từ đó biến các quốc gia này trở thành đối tác thương mại, đầu tư và xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật của TQ. Nhằm làm “an lòng” các nước trong khu vực, truyền thông TQ tuyên truyền mạnh rằng đây sẽ là dự án mà các bên tham gia “cùng có lợi và cùng thắng”.

Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore, ông Zheng Yong chỉ ra: Trong quá trình quy hoạch và bắt tay thực hiện “con đường tơ lụa trên bộ”, TQ đã tận dụng tối đa khả năng tài chính vốn có, cũng như năng lực xây dựng cơ sở hạ tầng một cách triệt để. Quy mô rót vốn đầu tư, gồm cả nhà nước lẫn tư nhân, ngày một tăng cao, cùng với đó là tốc độ thực hiện nhanh đến chóng mặt.

TQ của hôm nay đã trở thành một siêu cường về xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Đây là một phần trong những kinh nghiệm và thành tựu trong gần 40 năm cải cách mở cửa TQ, vốn đang bắt đầu được nước này lồng ghép vào chính sách “hướng ra bên ngoài” của mình.  

Ví dụ tại các khu vực châu Á, châu Phi, Mỹ Latin…, TQ đã hỗ trợ tối đa các quốc gia xây dựng lại toàn bộ cơ sở hạ tầng. Thông qua việc xây dựng hệ thống giao thông, TQ “trình diễn” sức hấp dẫn và trình độ kỹ thuật của mình, từ đó “tiện tay” triển khai các ý tưởng tiếp theo. 

Ngoài ra, trong quá trình hiện thực hóa “con đường tơ lụa trên bộ”, TQ tích cực đề xuất xây dựng Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB). Tuy nhiên trên thực tế, TQ đã âm thầm thiết lập một ngân hàng đầu tư phát triển con đường tơ lụa trên bộ vô cùng lớn. Qua đó, Bắc Kinh muốn thâu tóm và chi phối mọi hoạt động tiền tệ tại các khu vực nơi có siêu dự án đi qua, đồng thời ấp ủ dự án xây dựng ngân hàng xuyên khu vực, trong đó chủ yếu giao dịch bằng đồng Nhân dân tệ. 

Những bước đi của TQ đã được vẽ rất kỹ lưỡng. Tuy nhiên, để nó đi vào thực tế và được các nước ủng hộ lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Tân Cương có thể trở thành một Thượng Hải phiên bản khác trên đại lục và để “siêu dự án” trở thành hiện thực, cần lắm một thái độ cầu thị, hài hòa và chân tình thực sự từ phía Bắc Kinh. Nếu không “siêu dự án” vẫn chỉ là giấc mơ đeo đẳng bao thế hệ lãnh đạo TQ mà thôi.  

Mời theo dõi tiếp kỳ 2.

Nguyễn Tăng Nghị

•    Tác giả Nguyễn Tăng Nghị hiện là giảng viên Khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM; Nghiên cứu sinh tại Học viện Quan hệ Quốc tế, Đại học Nhân dân Trung Quốc.