Đất hiếm chưa là gì
Hôm 20/5, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có một cuộc viếng thăm mang tính biểu tượng trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang: tới một nhà máy xử lý và quặng "đất hiếm" (rare earth - RE) lớn nhất nước này cùng với một người quá đỗi quen thuộc với thế giới trong nửa năm vừa qua - ông Lưu Hạc, Phó Thủ tướng Trung Quốc.
Ông Lưu Lạc chính người liên tục tham gia nhưng thất bại trong các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung thời gian qua. Đây là một cảnh báo ngầm nhưng khá rõ ràng được Bắc Kinh gửi tới Washington, nhắm tới huyệt yếu về công nghệ của Mỹ đó là sự phụ thuộc của nước này vào nguồn đất hiếm của Trung Quốc.
Theo Reuters, đất hiếm bao gồm một nhóm gồm 17 nguyên tố có tỷ trọng thấp trong vỏ trái đất nhưng lại có cùng nguồn cấu kết hóa học, có khả năng nhận và cho đi electrons và là chất liệu để chế tạo các loại thiết bị điện tử, quang học, điện từ và xúc tác. RE có tầm quan trọng và ảnh hưởng tới rất nhiều lĩnh vực sản xuất quan trọng, từ các các sản phẩm điện tử, điện thoại thông minh, xe điện, máy bay, năng lượng tái tạo, lọc dầu, tới quốc phòng và công nghệ. Nếu không có nguồn cung RE từ Trung Quốc, giá sản xuất một chiếc xe Tesla hoặc điện thoại Samsung có thể tăng vọt.
Đất hiếm bao gồm một nhóm gồm 17 nguyên tố có tỷ trọng thấp trong vỏ trái đất. |
Trong khi đó, theo Reuters, Trung Quốc sở hữu phần lớn các cơ sở sản xuất đất hiếm trên thế giới và cung cấp 80% lượng đất hiếm mà Mỹ nhập khẩu trong giai đoạn 2014-2017. Riêng trong năm 2017, Trung Quốc chiếm 81% lượng đất hiếm sản xuất của toàn thế giới.
Mỏ khai thác đất hiếm duy nhất hoạt động của Mỹ tại bang California - Mountain Pass đang nằm trong tay MP Materials. Công ty này, cũng theo Reuters, chuyển khoảng 50 ngàn tấn quặng về Trung Quốc để tinh chế thì mới có thể sử dụng. Trung Quốc đã áp thuế 25% lên mặt hàng này trong cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ.
"Vạn lý trường chinh" là chiến dịch của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong cuộc nội chiến ở nước này hồi thập niên 1930. Đó là một cuộc rút lui chiến lược của khoảng 8 vạn Hồng Quân Trung Hoa với cả vạn cây số kéo dài hơn một năm khi bị quân của Tưởng Giới Thạch truy kích. Hơn 90% số người thiệt mạng nhưng kết thúc thắng lợi. |
Như vậy, với tư cách là nước xuất khẩu đất hiếm nhiều nhất thế giới, nếu Trung Quốc cấm vận mặt hàng này, chắc chắn Mỹ sẽ bị ảnh hưởng lớn. Đây có thể là một vũ khí để Trung Quốc đáp trả cú ngăn chặn của Mỹ đối với các công ty công nghệ Trung Quốc.
Tuy nhiên, đất hiếm chưa phải là điều đáng sợ nhất. Động thái thu hút sự quan tâm của thế giới vừa qua chính là chuyến đi thăm Giang Tây của ông Tập Cận Bình với tuyên bố Trung Quốc bước vào cuộc “Vạn lý trường chinh mới” và sẽ “bắt đầu lại tất cả".
Tuyên bố của ông Tập thực sự là một thách thức đối với Mỹ trong cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc vốn bắt đầu từ thương mại nhưng đã mở rộng sang lĩnh vực công nghệ và tài chính. Đối đầu trực tiếp hòng đánh nhanh thắng nhanh với Mỹ là nắm chắc thất bại. Nhưng trường kỳ kháng chiến mới là điều đáng ngại nhất đối với nước Mỹ.
Ông Tập Cận Bình thăm mỏ đất hiếm lớn nhất Trung Quốc. |
Cuộc chiến kéo dài, thập kỷ đen tối phía trước
Dù ông Tập không đề cập đến chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, nhưng phát biểu mang tính biểu tượng này được hiểu là một tín hiệu rõ ràng rằng sẽ không có chuyện Bắc Kinh sớm nhượng bộ Washington.
Cuộc chiến Mỹ - Trung thực sự đã lên mức đáng lo ngại. Trong một tuyên bố của mình đáp trả lại vụ chính quyền Tổng thống Donald Trump áp lệnh cấm lên hãng thiết bị viễn thông Huawei, Đại sứ Mỹ tại Liên minh châu Âu (EU) cho biết, “nếu Mỹ muốn, Trung Quốc sẽ đấu đến cùng”.
Phát ngôn viên của Bộ thương mại Trung Quốc cũng cho biết, lập trường của Trung Quốc về các cuộc đàm phán đã rõ ràng. Nếu Mỹ muốn nối lại đàm phán, “họ nên chân thành và thay đổi những hành vi sai trái”.
Trước đó, Trung Quốc còn được biết đến với nhiều “vũ khí” có khả năng được dùng để trả đũa Mỹ trong cuộc chiến thương mại. Trung Quốc hiện có một kho dự trữ ngoại hối khổng lồ 3,6 ngàn tỷ USD và hơn ngàn tỷ USD trái phiếu Mỹ có thể bán ra gây áp lực cho đối thủ; Trung Quốc có thể phá giá đồng Nhân dân tệ (NDT) và dừng nhập khẩu một mặt hàng quan trọng của Mỹ là đậu tương, đánh trực tiếp vào những người nông dân vốn mang phiếu bầu đến cho ông Trump.
Cuộc chiến Mỹ-Trung ngày càng căng thẳng. |
Trái với những vũ khí trước đó, việc trả đũa bằng đầu cơ đất hiếm, không xuất đất hiếm được coi là là một “quả bom nguyên tử” của Trung Quốc. Trong khi chiến lược “Vạn lý trường chinh” là một chiến lược khiến thế giới lo lắng.
Mặc dù vậy, theo nhiều đánh giá, Trung Quốc dường như đang ngộ nhận về sức mạnh vũ khí của mình. Trên thực tế, theo Reuters, đất hiếm phân bố ở nhiều nơi trên thế giới, bao gồm cả Mỹ, chứ không chỉ riêng ở Trung Quốc. Sở dĩ các nước khác không sản xuất đất hiếm vì ngành công nghiệp này có ảnh hưởng rất lớn đến môi trường.
Đã từ 3 thập kỷ nay, Mỹ không còn đánh đổi môi trường để đổi lấy kinh tế. Trên thực tế Mỹ có mỏ đất hiếm lớn là Mountain Pass tại California và cũng đã thử nghiệm khai thác tại đây cách đây 3 thập kỷ nhưng sau đó đã giảm dần lượng khai thác vì ô nhiễm và quay sang mua của Trung Quốc vì giá rẻ.
Trong khi đó, Trung Quốc ồ ạt khai thác vật liệu quan trọng này và trở thành số 1 về số lượng cũng như công nghệ tinh chế. Đất hiếm trở thành một thứ vũ khí mà Trung Quốc gây áp lực lên các tập đoàn sản xuất hàng hóa, nhất là điện tử, ô tô, linh kiện máy bay... phải mang nhà máy vào Trung Quốc để được mua đất hiếm giá rẻ.
Mỹ có mỏ đất hiếm lớn Mountain Pas tại California. |
Năm 2010, Trung Quốc đã từng dùng đất hiếm như một thứ vũ khí gây áp lực lên Nhật Bản trong bối cảnh 2 nước chấp đảo Điếu Ngư/Senkaku. Nhật sau đó đã phải tìm nguồn hàng khác để bớt phụ thuộc vào Trung Quốc.
Với Mỹ, tình hình cũng sẽ tương tự. Chắc chắn Mỹ sẽ chịu tác động tiêu cực trong ngắn hạn nếu Trung Quốc hạn chế hoặc cấm nhập RE. Tuy nhiên, đây cũng là con dao hai lưỡi, nếu tính toán không kỹ Trung Quốc sẽ chịu cảnh gậy ông đập lưng ông. Lý do là bởi, Trung Quốc chính là nước sử dụng RE nhiều nhất và dự báo thậm chí sẽ phải nhập khẩu loại vật chất này trong thập kỷ tới. Nếu giá RE tăng cao, Trung Quốc là bên thiệt nhất.
Còn chiến lược “Vạn lý trường chinh” thực sự đáng lo ngại đối với Mỹ và thế giới. Nó có thể kéo chìm nền kinh tế Mỹ cũng như toàn cầu đi xuống. Tuy nhiên, thiệt hại đối với Trung Quốc có thể nhìn thấy rõ là khủng khiếp.
Nếu Mỹ cũng như nhiều nước ngừng cung cấp các công nghệ cốt lõi cho các doanh nghiệp lớn của Trung Quốc, như các loại chip cũng như thiết kế cho chip, thì thảm họa nhanh chóng đến trong vòng vài năm tới. Nhiều lĩnh vực quan trọng như hàng không, đường sắt cao tốc, sản xuất ô tô, sản xuất TV, điện thoại di động, thang máy cho các tòa nhà lớn, điện gió, điện mặt trời, thậm chí cả ngành sản đồ chơi,... sẽ đình trệ, không có đồ thay thế. Ngành công nghiệp không cốt lõi của Trung Quốc sẽ về với cái máng lợn.
M. Hà