Cơ hội mong manh
Bộ Thương mại Trung Quốc vừa đưa ra thông báo cho biết, Phó Thủ tướng Lưu Hạc của nước này sẽ sang Mỹ vào ngày 9/5 để tiếp tục vòng đàm phán thương mại dự kiến kéo dài 2 ngày như kế hoạch trước đó.
Như vậy, Trung Quốc đã rút bỏ khả năng hủy đàm phán thương mại với Mỹ sau tuyên bố bất ngờ của ông Donald Trump: sẽ tăng thuế đánh vào 200 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc từ 10% lên 25% từ 10/5.
Sự kiên nhẫn của Trung Quốc lần này khác hẳn với quyết định hủy chuyến đi đàm phán hồi tháng 9/2018. Nó gắn liền với những lợi thế mà Bắc Kinh có được gần đây khiến phía Mỹ lo lắng.
Quy mô phái đoàn lần này đến Washington chưa được tiết lộ, có thể ít hơn so với dự kiến, nhưng định hướng lại rõ ràng hơn so với các lần đàm phán trước đó. Tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc đưa ra khẳng định quyết không lùi bước khi mọi thứ không thuận lợi.
Theo SCMP, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thậm chí yêu cầu đội ngũ đàm phán sửa đổi các nội dung đàm phán theo hướng cứng rắn hơn, bác bỏ các nhượng bộ bổ sung.
Trước đó, thị trường tài chính thế giới chao đảo sau khi đón nhận thông tin cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung tưởng chừng sắp đến đích bất ngờ đối mặt với nguy cơ đổ bể, sụp đổ hoàn toàn khi tổng thống Mỹ Donald Trump nổi giận tuyên bố sẽ tăng thuế lên hàng Trung Quốc từ 10/5.
Ông Donald Trump tức giận vì Trung Quốc "nuốt lời". |
Tất cả ngôn từ hoa mỹ mô tả về những cuộc đàm phán Mỹ - Trung “tốt đẹp”, “tích cực”, “tiến triển tốt”,... đều trở thành vô nghĩa. Tất cả thông báo từ các quan chức Mỹ và Trung Quốc cho rằng cuộc đàm phán tuần trước tại Bắc Kinh rất hiệu quả chỉ là những lời nói cường điệu.
Theo nguồn tin từ Bloomberg, sở dĩ ông Donald Trump nổi giận vì Trung Quốc nuốt lời, trở mặt. Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và đại diện Thương mại Robert Lighthizer chia sẻ với báo giới rằng, các nhà đàm phán Trung Quốc đã “nuối lời” (renege) đảo ngược những điều khoản mà 2 bên đã thỏa thuận nháp trước đó.
Cũng theo hai đại diện của Mỹ, cả nhóm kinh tế của ông Trump đồng ý với quyết định mới nhất: tăng thuế lên hàng hóa Trung Quốc bởi đã có “một sự thay đổi lớn về đường hướng” trong các cuộc đàm phán.
Như vậy, cuộc đàm phán Mỹ - Trung trở nên khó khăn hơn bao giờ hết khi ngay cả những vấn đề tưởng chừng đã đạt được trước đó như sở hữu trí tuệ, công nghệ,... (chấm dứt việc Trung Quốc buộc các công ty Mỹ phải tiết lộ công nghệ độc quyền và những tài sản trí tuệ khác nếu muốn kinh doanh ở nước này... ) giờ có thể phải đàm phán lại từ đầu.
Đó là chưa kể đến một loạt những vấn đề Bắc Kinh coi là “giới hạn đỏ” mà ông Trump muốn phá vỡ như: tái cấu trúc nền kinh tế, giảm tài trợ các doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc; xóa bỏ các rào cản phi thuế quan của Bắc Kinh đối với thương mại như thủ tục giấy tờ, tiêu chuẩn kỹ thuật; tỷ giá đồng NDT,...
Theo đại diện Mỹ, đã có sự thay đổi lớn về đường hướng trong các cuộc đàm phán. |
Nguy cơ sụp đổ hoàn toàn, hậu quả khó lường
Lý do đã có “một sự thay đổi lớn về đường hướng” trong các cuộc đàm phán ("big change of direction” in the talks) không được nêu ra. Song rõ ràng là, tương quan lực lượng giữa 2 bên đã thay đổi, qua đó quan điểm đàm phán cũng thay đổi.
Trong khi đàm phán Mỹ - Trung dần tới hồi kết với hai cuộc đàm phán cuối cùng là ở Bắc Kinh tuần vừa qua và cuộc đàm phán thứ 10 tại Washington sắp tới, thì thế áp đảo không còn nghiêng về phía ông Donald Trump.
Nền kinh tế Trung Quốc nửa năm qua đã có nhiều thay đổi, nhưng áp lực đối với ông Trump lại rất lớn.
Cụ thể, kinh tế Trung Quốc ổn định hơn khá nhiều so với nửa cuối 2018. Chứng khoán Trung Quốc tăng nóng 25-30% kể từ đầu 2019 là một lợi thế lớn cho Bắc Kinh trong đàm phán thương mại với Mỹ, trái ngược hoàn toàn với hồi tháng 9 năm ngoái khi nền kinh tế Trung Quốc chật vật và thị trường chứng khoán nước này lao dốc.
Trong khi đó, chính quyền ông Donald Trump gặp rất nhiều khó khăn từ Hạ viện cho tới cơ quan quản lý chính sách tiền tệ. Nền kinh tế Mỹ dường như đang thiếu động lực cho một đợt tăng tiếp trong những quý tiếp theo, đặc biệt là vào thời điểm trước cuộc bầu cử năm 2020. Ông Trump ở vào thế phải đưa ra các giải pháp để duy trì tăng trưởng kinh tế.
Chưa kể, đầu tháng 5 Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 2,25-2,5% và không có ý định điều chỉnh trong tương lai gần, bất chấp Tổng thống Donald Trump trước đó gây sức ép và kêu gọi các quan chức Fed đảo ngược tiến trình thắt chặt chính sách tiền tệ và tiến hành cắt giảm lãi suất.
Ông Donald Trump đang mất lợi thế trong cuộc đàm phán với Trung Quốc. |
Một mức lãi suất thấp được xem là điều kiện thuận lợi thúc đẩy nền kinh tế Mỹ tăng trưởng tốt hơn và mang đến những thành tựu lớn cho ông chủ Nhà Trắng trong bối cảnh ông Trump chuẩn bị tái tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020. Song, quyết định của Fed nằm ngoài sự trông đợi của ông Trump.
Trước đó, trên trang Twitter cá nhân, ông Trump đã bày tỏ quan điểm rằng kinh tế Mỹ có thể “đi lên như tên lửa” nếu lãi suất được cắt giảm, khoảng 100 điểm phần trăm (tương đương 1%). Ông nói rằng Trung Quốc đang thúc đẩy nền kinh tế của họ bằng cách giữ lãi suất ở mức thấp, duy trì một đồng NDT yếu, còn Fed thì không ngừng nâng lãi suất mặc dù lạm phát của Mỹ ở mức rất thấp.
Triển vọng đàm phán Mỹ - Trung vẫn u ám. Chứng khoán Mỹ hôm 7/5 tụt giảm, chỉ số Dow Jones bốc hơi gần 500 điểm và thủng ngưỡng 26 ngàn điểm. Chứng khoán Trung Quốc cũng lao dốc với những phiên mất trên 5%, đồng NDT giảm ở mức mạnh nhất 3 năm...
Trong khi các NĐT Mỹ náo loạn bán tháo, báo chí rầm rộ đưa tin và gây áp lực lên ông Trump thì ở chiều ngược lại, báo chi Trung Quốc như Xinhua, Caixin, Global Times,... đưa khá ít thông tin về TTCK và đồng NDT tụt giảm sau tuyên bố của ông Trump. Những câu chuyện và tút về hai câu tweet của ông Trump trên mạng xã hội Weibo hay WeChat cũng bị xóa bỏ.
M. Hà