Trong tình trạng các vụ xung đột trên biên giới Trung-Ấn liên tiếp xảy ra, sau khi Ấn Độ tăng viện quân đội ra biên giới, nay có tin Trung Quốc cũng điều động quân đoàn chủ lực ra.
Tờ Đông Phương ngày 19/8 dẫn tin của báo quân đội Trung Quốc cho biết: Tập đoàn quân số 77 (tên gọi trước ngày 26/4/2017 là Tập đoàn quân 13) vừa được lệnh triển khai một lữ đoàn tới “vùng cao nguyên X có điều kiện khắc nghiệt để huấn luyện, chuẩn bị chiến đấu”. Các chuyên gia quân sự phân tích cho rằng tin này phản ánh việc Trung Quốc đưa thêm quân tới Tây Tạng để ứng phó với tình huống có thể phát sinh.
Tin trên tờ báo của quân đội Trung Quốc tiết lộ, doanh trại mới nằm ở vị trí hẻo lánh, trang thiết bị thiếu thốn, có 42 lính tiểu đoàn pháo binh lo lắng đóng quân lâu dài trên cao nguyên, cơ thể không thích ứng được nên đã nảy sinh tư tưởng xin ra quân; qua điều chỉnh công tác giáo dục tư tưởng mới phấn chấn sĩ khí trở lại.
Tư liệu công khai cho biết, Tập đoàn quân 77 là lục quân thuộc biên chế Bộ Tư lệnh chiến trường miền Tây, sở chỉ huy đơn vị đặt ở Thành Đô, Tứ Xuyên.
Cũng theo Đông Phương, quân đội Ấn Độ cũng đã tăng cường chuẩn bị chiến đấu. Báo chí Ấn Độ hôm 16/8 đưa tin: Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã ra lệnh cho không quân và hải quân phải thiết lập 3 phòng tuyến cảnh giới bảo vệ xung quanh căn cứ không quân.
Báo chí Ấn Độ cũng cho biết quân đội đã được tăng cường bố trí trên tuyến biên giới dài 1.400km từ Sikkim đến khu vực cận Đông. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Raveesh Kumar hôm 18/8 đã chính thức xác nhận tin xảy ra xung đột giữa binh lính hai bên tại khu vực gần hồ Pangong Tso (Trung Quốc gọi là Ban Công).
Khi được hỏi về tình hình đối đầu ở Doklam (Trung Quốc gọi là Động Lãng), ông Kumar nói: “Ấn Độ sẽ tiếp tục tiếp xúc với phía Trung Quốc để tìm ra phương án giải quyết mà hai bên đều có thể chấp nhận được”. Ông nhấn mạnh “hòa bình và an ninh là điều kiện tiên quyết quan trọng cho việc phát triển ổn định quan hệ hai nước”.
Đồng thời, Ấn Độ cho rằng Trung Quốc vẫn tiếp tục có những động thái mới ở biên giới, quân đội đã được yêu cầu phải giữ cảnh giác song không được để bị kích động, phải bình tĩnh ứng phó với tình huống phát sinh, đề phòng cục diện leo thang.
Ngô Tuyết