Bắc Kinh vừa triệu tập một loạt công ty công nghệ lớn - trong đó có Microsoft, Dell (đều của Mỹ) và Samsung (Hàn Quốc) - để cảnh báo rằng họ có thể đối mặt với hậu quả nghiêm trọng nếu hợp tác với lệnh cấm nhằm vào các công ty Trung Quốc của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Được tổ chức vào hai ngày 4 và 5/6, các cuộc họp nói trên diễn ra không lâu sau khi Bắc Kinh tuyên bố thiết lập danh sách các công ty và cá nhân nước ngoài "không đáng tin cậy". Danh sách này được xem là động thái trả đũa của Bắc Kinh về việc chính quyền Mỹ đưa Tập đoàn Thiết bị viễn thông Huawei vào "danh sách đen" để cấm các công ty Mỹ làm ăn với tập đoàn này.
Các phiên họp trên được tiến hành bởi Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc (NDRC) và có sự tham gia của đại diện đến từ Bộ Thương mại, cũng như Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc. Việc 3 cơ quan chính phủ tham dự dường như cho thấy mức độ phối hợp cấp cao trong việc củng cố sự hậu thuẫn dành cho Huawei.
Công nhân làm việc tại một nhà máy sản xuất pin lithium ở tỉnh Hồ Bắc - Trung Quốc Ảnh: REUTERS |
Thương chiến Mỹ - Trung leo thang đã làm dấy lên lo ngại ở Bắc Kinh rằng các công ty lớn sẽ tìm cách chuyển dây chuyền sản xuất sang nước khác để tránh những rủi ro về lâu dài. Tại cuộc họp nêu trên, giới chức Trung Quốc đã đưa ra cảnh báo với các công ty tham dự - báo The New York Times dẫn 2 nguồn tin mật cho biết.
Với những công ty Mỹ, giới chức Trung Quốc nhấn mạnh lệnh cấm các công ty Mỹ bán công nghệ cho doanh nghiệp Trung Quốc của Washington đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Họ cũng cảnh báo những công ty nào tuân theo chính sách này có thể đối mặt với hậu quả dài hạn. Với những công ty bên ngoài Mỹ, giới chức Trung Quốc khẳng định chỉ cần duy trì các mối quan hệ hiện tại và tiếp tục cung cấp thiết bị cho các công ty Trung Quốc một cách bình thường, họ sẽ không bị trừng phạt.
Căng thẳng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang vào tháng rồi sau khi Washington bất ngờ công bố lệnh cấm nhằm vào Huawei và hai nền kinh tế lớn nhất thế giới dường như đang chuẩn bị "những đòn đánh kinh tế mới" nhằm vào nhau. "Mọi chuyện hiện đã trở nên cực kỳ phức tạp vì chính quyền Tổng thống Trump, thông qua các chiến thuật của họ, đã làm mất ổn định toàn bộ quan hệ thương mại và những mặt khác" - ông Scott Kennedy, cố vấn cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ), nhận định.
Trong một tuyên bố trên mạng xã hội Twitter hôm 8-6, Tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn cầu Hu Xijin khẳng định Bắc Kinh đang "xây dựng một cơ chế quản lý để bảo vệ những công nghệ then chốt". "Đây là bước đi quan trọng để cải thiện hệ thống quản lý và cũng là động thái để đáp trả đòn tấn công của Mỹ. Ngay khi có hiệu lực, một số công nghệ xuất khẩu sang Mỹ sẽ chịu sự kiểm soát" - ông Hu cho biết. Cùng ngày, Tân Hoa Xã đưa tin NDRC đã được giao nhiệm vụ nghiên cứu để thiết lập "hệ thống danh sách quản lý an ninh công nghệ quốc gia".
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin hôm 9-6 thừa nhận ông đã có cuộc trò chuyện "mang tính xây dựng" với Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, ông Yi Gang, khi cả 2 gặp gỡ bên lề Hội nghị G20 (nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới) diễn ra tại TP Fukuoka - Nhật Bản. Tuy nhiên, quan chức này không tiết lộ nội dung cuộc gặp.
Trước đó, ông Mnuchin khẳng định cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung gần đây nhất thất bại do Bắc Kinh từ bỏ các điều khoản của thỏa thuận dự kiến. Trung Quốc sau đó đã đổ lỗi cho Mỹ về thất bại của cuộc đàm phán.
(Theo Người Lao động)