Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Gao Feng |
Tập đoàn Panasonic của Nhật Bản vừa tham gia vào danh sách các công ty toàn cầu “nghỉ chơi” với Huawei, nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới. Panasonic nói sẽ dừng bán một số linh kiện cho Huawei.
Động thái của Panasonic xảy ra chỉ một ngày sau khi hãng thiết kế chip ARM của Anh chấm dứt quan hệ với Huawei, về cơ bản ngăn chặn khả năng sản xuất chip mới cho smartphone của công ty Trung Quốc. Huawei sử dụng thiết kế ARM cho con chip dùng trong điện thoại thông minh.
Trong cuộc họp báo hàng tuần, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Gao Feng khẳng định: “Nếu Mỹ muốn tiếp tục đàm phán thương mại, họ nên cho thấy sự chân thành và sửa chữa các hành động sai lầm. Đàm phán chỉ có thể tiếp diễn trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và bình đẳng”. Ông nói thêm: “Chúng tôi sẽ theo sát diễn biến liên quan và chuẩn bị cho hành động cần thiết”.
Mỹ cáo buộc Huawei làm việc cho chính phủ Trung Quốc và tham gia vào hoạt động đi ngược lại với an ninh quốc gia. Huawei liên tục bác bỏ lời buộc tội này. Chính quyền Tổng thống Trump xoa dịu tình hình bằng cách cấp giấy phép tạm thời để Huawei mua được hàng hóa sản xuất tại Mỹ trong vòng 90 ngày, hết hạn vào ngày 19/8 nhằm giảm tối đa ảnh hưởng đến khách hàng.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vẫn tiếp tục gây áp lực lên Huawei trong cuộc phỏng vấn với CNBC hôm 23/5. Ông nói rằng nhà sáng lập Nhậm Chính Phi đã lừa dối về quan hệ của công ty với Bắc Kinh.
“Nói họ không làm cho chính phủ Trung Quốc là tuyên bố sai. Luật pháp Trung Quốc yêu cầu ông ta làm điều đó. CEO Huawei vì thế ít nhất không thể nói sự thật với người Mỹ hay thế giới”. Ông dự đoán các công ty Mỹ khác sẽ cắt quan hệ với Huawei khi nguy cơ hợp tác trở nên rõ ràng.
Trong khi đó, Toshiba nói đã khôi phục một số đơn hàng cho Huawei sau khi tạm dừng để kiểm tra chúng có nằm trong danh mục linh kiện do Mỹ sản xuất hay không.
Cùng ngày, ông Nhậm Chính Phi trả lời tạp chí tài chính Caixin rằng ông không thấy quyết định dừng kinh doanh với Huawei của ARM tác động đến công ty. Ông cho biết Huawei có hợp tác dài hạn với ARM và suy đoán công ty Anh hành động như vậy vì công ty mẹ, tập đoàn SoftBank của Nhật Bản, đang chờ được Mỹ phê duyệt vụ sáp nhập với nhà mạng Sprint (của SoftBank) và T-Mobile. Ngược lại, các chuyên gia công nghệ nhận định công nghệ mua từ Mỹ rất “khó thay thế”.
Chưa có đàm phán thương mại nào giữa các nhà đàm phán cấp cao Mỹ - Trung được lên kế hoạch kể từ vòng đàm phán cuối cùng kết thúc ngày 10/5 khi Tổng thống Trump tăng thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Trung Quốc cũng có hành động đáp trả với hàng hóa Mỹ song quyết định trừng phạt Huawei của Washington chính là ngòi nổ đưa cuộc chiến thương mại sang giai đoạn mới, gây ra lo ngại về tăng trưởng toàn cầu và hạ gục thị thường tài chính.