Đoạn video đầu tiên ghi lại cảnh hạ cánh của robot tự hành, từ lúc mở dù cho đến khi chạm xuống bề mặt đồng bằng Utopia Planitia ở bán cầu bắc của sao Hỏa vào ngày 15/5.
Đoạn video đen trắng thứ hai có cả những âm thanh đầu tiên do Chúc Dung ghi được trên bề mặt hành tinh đỏ.
Một đoạn ghi hình khác được thực hiện bằng máy quay không dây, cho phép CNSA thu nhận các hình ảnh độc đáo về robot tự hành đang di chuyển từ từ qua đồng bằng Utopia Planitia ở góc nhìn của người thứ ba.
Các video được chuyển tiếp trở lại Trái đất thông qua vệ tinh Thiên Vấn 1 quay quanh quỹ đạo sao Hỏa trong khuôn khổ sứ mệnh.
Theo báo RT, CNSA công bố những hình ảnh mới từ cuộc thám hiểm sao Hỏa nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (1/7/1921 - 1/7/2021).
Kể từ khi đáp xuống bề mặt hành tinh đỏ, Chúc Dung đã triển khai các hoạt động thám hiểm được 42 sol (ngày trên sao Hỏa) và di chuyển được tổng quãng đường là 236 mét. Các nhà khoa học Trung Quốc hy vọng robot tự hành sẽ tiếp tục hoạt động và thu thập dữ liệu trong ít nhất 90 ngày.
Trung Quốc đang nỗ lực thu hẹp khoảng cách với Mỹ trong cuộc đua không gian. Bắc Kinh đã phóng vệ tinh lượng tử đầu tiên trên thế giới, hạ cánh tàu thăm dò và đưa các mẫu đá từ Mặt Trăng trở về Trái đất. Họ cũng bắt đầu xây dựng trạm không gian của riêng mình với tên gọi Thiên Hà.
Với sứ mệnh Thiên Vấn 1, Trung Quốc muốn nghiên cứu bầu khí quyển của sao Hỏa, các đặc điểm địa chất cũng như từ trường của thiên thể này. Các phát hiện đầu tiên dự kiến sẽ được công bố ngay trong năm nay.
Tuấn Anh
Tàu thám hiểm của Trung Quốc lần đầu lăn bánh xuống Sao Hỏa
Tàu thám hiểm Chúc Dung của Trung Quốc đã chính thức lăn bánh từ khoang hạ cánh của mình xuống bề mặt Sao Hỏa trong hôm 22/5.