Ta đang sống trong thời đại "thông minh" của những smartphone – điện thoại thông minh, smartwatch – đồng hồ thông minh, smartcar – xe thông minh có khả năng tự lái. Ngành tàu thuyền cũng không chịu kém cạnh.
Tại triển lãm Marintec Trung Quốc 2017 vừa mới kết thúc tại Thượng Hải, chiếc tàu thông minh – smartship đầu tiên của Trung Quốc vừa xuất hiện trước công chúng lần đầu tiên. Nó được đặt tên là Great Intelligence – Trí tuệ Lớn, đánh dấu mốc lần đầu tiên đất nước tỷ dân này đạt được thành tựu lớn trong ngành sản xuất và phát triển tàu thông minh.
Đây cũng được gọi là con tàu thông minh đầu tiên trên thế giới, khi mà nó đạt tiêu chuẩn để được gọi là con tàu "an toàn mạng - cyber-safe", "hiệu năng mạng tốt - cyber-perform", "bảo trì mạng tốt - cyber-maintain", quy chuẩn được công ty xây dựng và kỹ nghệ tàu thủy Lloyd’s Register đưa ra. Nó cũng được liệt vào hạng mục "tàu thông minh" do Cộng đồng Phân loại Trung Quốc xác nhận.
Trong định nghĩa của cộng đồng Trung quốc, thì tàu thông minh phải thu thập được dữ liệu của môi trường biển, thông tin từ hậu cần, từ các bến cảng và từ chính các hệ thống trên tàu – tất cả phải được thu nhận và xử lý trong thời gian thực (chứ không phải mang trung tâm rồi mới phân tích).
Những dữ liệu này được phân tích ngay trên hải trình của tàu, giúp con tàu thông minh có thể chỉnh sửa lộ trình cho phù hợp, đồng thời giữ cho hàng hóa cũng như thiết bị tàu được an toàn.
Điều này sẽ giúp cho tàu vận hành an toàn hơn và giảm năng lượng tiêu thụ. Trung Quốc mong rằng đây sẽ là xu hướng thiết kế tàu mới của tương lai.
Đúng vậy, đây là một cuộc đua toàn cầu.
Bên cạnh Trung Quốc, Công ty Công nghiệp nặng Huyndai của Hàn Quốc cũng đang chuẩn bị những bước đầu nhằm tạo nên một con tàu thông minh cho mình. Tháng Bảy vừa rồi, Huyndai vừa cho ra mắt một hệ thống thu thập thông tin có tên Giải pháp Tàu thông minh Hợp nhất, cũng có khả năng thu dữ liệu thời gian thực và phân tích nhằm tìm ra lộ trình biển tối ưu. Hệ thống này cũng đạt tiêu chuẩn "an toàn mạng".
Nhật Bản cũng không kém cạnh, họ đặt ra mục tiêu 5 năm cho việc phát triển tàu thông minh, nhằm biến nó trở thành điểm mấu chốt trong ngành chở hàng bằng đường biển. Tháng Mười Hai năm 2012, họ đã chính thức bắt đầu dự án nghiên cứu này.
Tháng Mười Một năm 2015, DNV GL – cơ quan phân loại Na Uy đã cùng NYK – hãng vận chuyển hàng khổng lồ của Nhật đã khởi động dự án thu thập và phân tích dữ liệu hàng hải theo thời gian thực. Tính đến nay, vẫn có bốn nhóm tàu thường xuyên đưa thông tin vè cho DNV GL nhằm phân tích dữ liệu trên thời gian thực, giúp điều chỉnh tàu và bảo trì kịp thời.
Tuy nhiên, việc phát triển tàu thông minh không phải là thứ được chào đón nhiều nơi. Đó là ý kiến của Arthur Brunvoll, chủ sở hữu và cũng là chủ tịch của Brunvoll, một công ty Na Uy chuyên sản xuất bộ phận tàu thủy.
"Chẳng có luật lệ thống nhất nào về những con tàu thông minh này cả, mới chỉ có một vài cộng đồng đưa ra một số phân loại quy chuẩn cho nó mà thôi", ông nói. "Những nhà sản xuất tàu đang rất muốn tham gia vào xu hướng mới này, nhưng đại đa số chúng ta mới chỉ áp dụng công nghệ mới vào tàu thôi, chứ chưa biết thế nào để xác nhận một con tàu có phải là ‘thông minh’ hay không".
Cho dù người ta có định nghĩa nó thế nào, thì nếu như công nghệ này bùng nổ, chắc hẳn ngành hàng hải thế giới cũng sẽ bùng nổ theo. Chủ tịch nghiên cứu tại Clarkson – nhà môi giới tàu thuyền lớn nhất thế giới đã nhận định như vậy.
Theo GenK