Chỉ số tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chỉ đạt 6% trong quý 3/2019, dưới mục tiêu đặt ra từ 6-6,5% trong năm nay, và là mức tăng trưởng thấp nhất trong gần 30 năm qua.

Nhiều nhà phân tích dự đoán, chỉ số tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ dưới mức 6% trong quý 4/2019, và thấp hơn 6% trong cả năm 2020. Để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6% trong năm tới, Bắc Kinh cần có những chính sách kích thích mạnh mẽ hơn nữa.

{keywords}
Chỉ số tăng trưởng theo quý của TQ. Ảnh: Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc

Thủ tướng Lý Khắc Cường đã liên tiếp loại bỏ những chính sách kích thích toàn diện vốn được Bắc Kinh theo đuổi hơn 10 năm về trước, nhằm đối phó với một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, một phần là để tránh tăng mức nợ vốn đã rất cao tại Trung Quốc.

Chuyên gia kinh tế Trung Quốc Yu Yongding nói, ngăn sự giảm tăng trưởng kinh tế là ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh, bởi sự suy giảm kinh tế hơn nữa sẽ khiến tình hình giới doanh nghiệp và người tiêu dùng tệ hơn, qua đó sẽ đánh vào giới đầu tư và chi tiêu dùng.

“Sự dự đoán này rất nguy hiểm. Việc kinh tế đi xuống sẽ dẫn tới việc GDP suy giảm, tạo ra một vòng xoáy đi xuống. Chúng ta không thể để sự suy giảm tăng trưởng kinh tế xuống dưới 6%. Chúng ta đã để sự suy giảm từ 12,2% xuống còn 6%, và đã tới lúc cần ngừng tình trạng này”, SCMP trích lời ông Yu nói.

Cách nhìn nhận của ông Yu được chuyên gia tư vấn thuộc Ủy ban Nhà nước Trung Quốc Yao Jingyuan đồng tình, khi ông này hôm 26/11 cho rằng mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc nên ở mức 6%. Ông nhận định, Trung Quốc nên tăng mức giới hạn thâm hụt ngân sách ở mức 3% GDP để các chính sách tài khóa có thể ‘mạnh mẽ hơn’, chống lại suy giảm kinh tế.

Tuy nhiên, chỉ số tăng trưởng kinh tế ở mức dưới 6% cũng có thể chấp nhận được, nếu tỷ lệ lao động có việc làm và mức lạm phát tại Trung Quốc được giữ ở mức ổn định.

{keywords}
Tăng trưởng kinh tế TQ từ 12,2% xuống còn 6%

Trong khi đó, bản báo cáo chung giữa Nhóm xếp hạng tín dụng Thành tín và Đại học Nhân dân Trung Quốc lại kêu gọi chính phủ không cần giữ mức tăng trưởng kinh tế 6% trong năm tới.

Cụ thể, bản báo cáo này dự đoán mức tăng trưởng sẽ vào khoảng 5,9% trong năm 2020, so với mức 6,1% của năm nay. Đồng thời, bản báo cáo này còn gợi ý việc chính quyền Bắc Kinh nên đặt mục tiêu từ 5,5-6%, bởi con số này đủ để duy trì sự ổn định việc làm tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích tỏ ra hoài nghi về việc liệu Trung Quốc có đạt được mục tiêu tăng trưởng 6% trong năm 2020 hay không. Nhiều nhà kinh tế học thuộc Ngân hàng Mỹ dự đoán con số này sẽ vào khoảng 5,6% trong năm 2020 và 5,5% trong năm 2021.

Nhà kinh tế học Gao Shanwen, vốn là người luôn phản đối những chính sách kinh tế của chính quyền Bắc Kinh cho biết, mức tăng trưởng trong thập niên tới của Trung Quốc sẽ ở 4%, một phần là do sự đầu tư không bền vững, và những rủi ro tích lũy từ những lần kích thích kinh tế vượt mức trong suốt nhiều năm qua.

Chuyên gia Yu lại cho rằng, chính phủ nên mở rộng chính sách tài khóa ngay lập tức và nới lỏng chính sách tiền tệ để thức đẩy sự tăng trưởng về kinh tế, mặc dù Thủ tướng Lý Khắc Cường liên tục bác bỏ ý tưởng này.

“Kinh tế Trung Quốc đang phải đưa ra sự lựa chọn, và chọn ra giải pháp ít gây thiệt hại hơn. Nếu những điều kiện tài chính xấu đi và sự tăng trưởng kinh tế chậm lại là hai lựa chọn tồi tệ, tôi thà chọn việc cho phép các chính sách tài khóa gây ra sự suy giảm kinh tế tạm thời có kiểm soát, nhằm ổn định tăng trưởng kinh tế”, ông Yu kết luận.

Tuấn Trần