Ảnh minh họa: Internet |
Theo Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin (MIIT), thông qua giấy phép này, China Broadcasting Network sẽ được phép thử nghiệm ở dải tần 4,9 GHz tại 16 thành phố bao gồm cả Bắc Kinh.
Vào tháng 6/2019, China Broadcasting Network đã có giấy phép cung cấp dịch vụ 5G thương mại. Vào thời điểm đó, chính phủ cũng cấp giấy phép cho China Mobile, China Telecom và China Unicom.
Giấy phép thử nghiệm tần số mới đồng nghĩa China Broadcasting Network chính thức có quyền sử dụng tần số 5G ở các khu vực có liên quan trên khắp Trung Quốc.
Vào cuối năm 2019, MIIT đã cấp giấy phép cho các cuộc thử nghiệm 5G tại một số thành phố trên khắp Trung Quốc. Việc triển khai thương mại 5G tại Trung Quốc ban đầu dự kiến triển khai trong năm 2020 nhưng sau đó chính phủ quyết định đẩy mạnh triển khai 5G sớm để kích hoạt đầu tư vào thị trường Trung Quốc.
Theo một tuyên bố gần đây của MIIT, tất cả 300 thành phố cấp tỉnh trong nước dự kiến sẽ được phủ sóng mạng 5G vào cuối năm 2020 và hiện tại các nhà mạng nước này đã triển khai tổng cộng 126.000 trạm gốc 5G trên cả nước.
Công ty viễn thông China Mobile, China Telecom và China Unicom ra mắt dịch vụ 5G thương mại vào tháng 11/2019. Dịch vụ này có mặt tại các thành phố lớn bao gồm Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến, Hàng Châu, Nam Kinh và Thiên Tân.
Theo các báo cáo trước đó, ba nhà mạng dự kiến khai thác gần 130.000 trạm gốc 5G vào cuối năm 2019. China Mobile đã công bố kế hoạch lắp đặt 50.000 trạm gốc 5G vào cuối năm 2019, trong khi China Unicom và China Telecom mỗi nhà khai thác lắp đặt khoảng 40.000 trạm.
Theo Học viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông Trung Quốc, công nghệ 5G có thể tạo ra hơn 8 triệu việc làm tại đây vào năm 2030.
Theo báo cáo của Hiệp hội thông tin di động thế giới (GSMA), dự báo 28% thuê bao di động của Trung Quốc sẽ hòa mạng 5G vào năm 2025, chiếm khoảng 1/3 tất cả kết nối 5G trên toàn cầu.