Tạp chí Phố Wall (WSJ), trong một bài viết ngày 5/7, chỉ ra rằng Trung Quốc đã có những bước tiến dài hướng tới các mục tiêu mua hàng hóa sản xuất và nông nghiệp, nhưng vẫn còn rất xa nữa - thậm chí vô vọng – mới có thể cán đích các hợp đồng dầu lửa, khí đốt tự nhiên, các sản phẩm dầu mỏ tinh chế như propane, butane, và than đá.

{keywords}
Ảnh: Adobe Stock

Thực tế kể trên đang làm dấy lên lo ngại trong ngành năng lượng Mỹ, khiến nhiều nhân vật trong ngành này thúc ép đại diện thương mại Mỹ gia tăng áp lực để Trung Quốc phải đạt được mục tiêu.

Theo thỏa thuận, Trung Quốc sẽ mua khoảng 25 tỷ USD các mặt hàng năng lượng Mỹ trong năm 2020, thậm chí nhiều hơn trong 2021. Tuy nhiên, dữ liệu mới nhất về xuất khẩu của Mỹ trong tháng 5, được công bố tuần trước, cho thấy Trung Quốc đến nay mới chỉ mua được khoảng 2 tỷ USD trong tổng số đó.

Một phần nguyên nhân Trung Quốc "chậm chạp" như vậy là bởi nhu cầu và giá năng lượng sụp đổ giữa đại dịch Covid-19. Tiến độ các hợp đồng năng lượng còn cho thấy sự tương phản với những gì Bắc Kinh đang cố gắng hướng tới các mục tiêu mua hàng hóa nông nghiệp và sản xuất của Mỹ. 

"Rất khác thường và gây lo lắng", WSJ dẫn lời Anne Bradbury, Giám đốc điều hành Hội đồng Khai thác và Sản xuất Mỹ, cơ quan đại diện cho các công ty sản xuất - khai thác dầu lửa và khí đốt tự nhiên. "Ngành năng lượng bị tác động vô cùng nặng nề bởi đại dịch, và giờ đây, hơn bao giờ hết, thỏa thuận đó là rất quan trọng đối với ngành này". 

Tính đến tháng 5, Trung Quốc đã mua khoảng 5,4 tỷ USD các sản phẩm nông nghiệp, trong khi mục tiêu cả năm là 33 tỷ USD. Như vậy, Trung Quốc cũng rất khó đáp ứng được mục tiêu nhưng vẫn có thể thực hiện được, theo tính toán của Chad Bown, một chuyên gia về dữ liệu thương mại tại Viện Kinh tế quốc tế Peterson. 

Các hợp đồng nông nghiệp hiện mới đạt 39% tốc độ cần thiết để cán đích giai đoạn 1. Nhưng sản phẩm và hàng hóa nông nghiệp chủ yếu theo mùa, vào mùa thu, khi những cây trồng như đậu tương được thu hoạch, nên Trung Quốc vẫn có thời gian để bắt kịp mục tiêu.

Và Trung Quốc đã mua 19,5 tỷ USD hàng hóa sản xuất, trong khi mục tiêu cả năm là 84 tỷ USD. Như vậy, nước này đang đạt 56% tiến độ cần thiết để hoàn thành cả chặng, theo tính toán của ông Brown.

Nếu đem so, mục tiêu về năng lượng hiện quá xa vời – mới chỉ ở mức 18% tốc độ cần thiết. Tăng tốc trong 7 tháng tiếp theo sẽ đòi hỏi các hợp đồng khủng phải bắt đầu ngay lập tức. Để đạt mục tiêu đó, Trung Quốc cần phải mua 3 tỷ USD năng lượng mỗi tháng, nghĩa là mua mỗi tháng nhiều hơn tổng cả 5 tháng đầu năm 2020 cộng lại.

Một làn sóng sản xuất nội địa trong thập niên vừa qua đã đưa ngành năng lượng của Mỹ vào vị trí xuất khẩu sau nhiều thập niên phụ thuộc bên ngoài. Và Trung Quốc – với dân số 1,4 tỷ người và nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới – đang là thị trường đơn lẻ tiềm năng lớn nhất cho những mặt hàng xuất khẩu như dầu thô và khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ.

"Chúng tôi nghĩ, Trung Quốc và Mỹ tất yếu có mối quan hệ LNG lâu dài và mạnh mẽ, và chúng ta cần phải đưa mọi thứ trở lại đường ray", Fred Hutchison - Chủ tịch LNG Allies, Hiệp hội Khí đốt tự nhiên hóa lỏng Mỹ - nói và thừa nhận Covid-19 đã khiến cho các mục tiêu càng trở nên khó khăn hơn. 

"Các cam kết mua hàng được nhất trí bằng đồng đôla chứ không phải lượng hàng hóa, vì vậy nếu Trung Quốc thực hiện các hợp đồng lớn mà giá lại giảm xuống 0 thì sẽ không thể đạt được mục tiêu giá trị", ông Brown thuộc Viện Peterson lý giải.   

Thanh Hảo

Quốc hội Mỹ thông qua dự luật trừng phạt Trung Quốc

Quốc hội Mỹ thông qua dự luật trừng phạt Trung Quốc

Thượng viện Mỹ hôm 2/7 đã thông qua dự luật trừng phạt các ngân hàng làm ăn với các quan chức Trung Quốc thực thi luật an ninh mới với Hong Kong.

Lo xung đột Mỹ-Trung, Australia mạnh tay mua 200 tên lửa tầm xa

Lo xung đột Mỹ-Trung, Australia mạnh tay mua 200 tên lửa tầm xa

Australia tuyên bố sẽ tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng và tập trung vào khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương trong bối cảnh gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc.