Cơ quan quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) thông báo chiến dịch trên WeChat. Chiến dịch sẽ kéo dài 3 tháng, nhằm vào thông tin sai sự thật, không chính xác về doanh nhân và doanh nghiệp trong nước, muốn “nhổ tận gốc” những website, tài khoản trực tuyến vi phạm quyền con người.
Những câu chuyện như “doanh nhân Trung Quốc là kẻ phản bội” hay “đã đến lúc kinh tế tư nhân Trung Quốc rút lui” đều rơi vào tầm ngắm. CAC sẽ dẹp bất kỳ tin tức rò rỉ nào về tiểu sử cá nhân của doanh nhân tư nhân, cũng như hồ sơ sức khỏe, tài khoản tài chính, nhật ký du lịch, địa chỉ nhà, số điện thoại của họ.
Chiến dịch muốn tạo ra “không gian trực tuyến lành mạnh cho dư luận” để các doanh nhân có thể tập trung phát triển doanh nghiệp mà không bị phân tâm, theo CAC. Gần một tháng trước, Niu Yibing, Phó giám đốc CAC, tuyên bố tại một hội thảo ở Bắc Kinh rằng sẽ ưu tiên môi trường kinh doanh trực tuyến năm nay.
Chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc tăng mạnh trong thập kỷ qua, trong khi đó, các doanh nhân trong khu vực tư nhân – những người thường hoạt động ở nước ngoài – lại thường xuyên bị bạo lực mạng. Chẳng hạn, Lenovo và nhà sáng lập Liu Chuangzhi nhiều tháng trời bị KOL Siman Nan tố cáo bòn rút tài sản. Tài khoản mạng xã hội của Siman Nan bị nhà chức trách đóng cửa vào tháng 8/2022.
Chiến dịch được phát động trong bối cảnh lãnh đạo nhà nước đang muốn vực dậy kinh tế hậu Covid-19 và khôi phục lòng tin của khối tư nhân, bao gồm các công ty Internet và tài sản sau thời gian gặp sóng gió cả về quy định lẫn kinh tế. Nó cũng nằm trong chiến dịch Qinglang “làm sạch không gian mạng”, chống lại và loại bỏ thông tin mà chính phủ cho là độc hại, không phù hợp từ năm 2016.
Năm 2022, Trung Quốc phát động 13 chiến dịch đặc biệt, triệt phá tổng cộng 54,3 triệu vụ thông tin phi pháp, đóng cửa 6,8 triệu tài khoản mạng xã hội, hạ 2.890 ứng dụng, bác bỏ 260.000 nhóm thảo luận trên mạng và đóng cửa 7.300 website.
(Theo SCMP)