Trung Quốc nóng rần

Trong phiên giao dịch ngày 17/4, các thị trường chứng khoán lớn ở châu Á đồng loạt tăng điểm. Chỉ số MSCI châu Á Thái Bình Dương tăng 0,37% lên cao nhất hơn 6 tháng ở mức 163,59 điểm.

Tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite và Shenzhen Component lần lượt tăng 0,3% và 0,6%. Trong phiên trước đó, chứng khoán Trung Quốc tăng mạnh hơn 2%.

Tính từ đầu năm đến nay, chỉ số Shanghai Composite đã tăng hơn 30%, trong khi chỉ số Shenzhen Component tăng hơn 40%. Thị trường chứng khoán (TTCK) Trung Quốc tăng mạnh kể từ đầu năm chủ yếu do giới đầu tư lạc quan vào khả năng nước này và Mỹ đạt được thỏa thuận thương mại.

Những phiên tăng điểm mạnh gần đây còn nhờ thị trường đón nhận hàng loạt tín hiệu tích cực từ nền kinh tế Trung Quốc. Đà tăng của chứng khoán Trung Quốc trong phiên giao dịch 17/4 được đánh giá chủ yếu là nhờ báo cáo tăng trưởng GDP tích cực.

{keywords}
Trung Quốc và Mỹ vẫn đang ở trong 1 cuộc chiến thương mại.

Theo số liệu vừa công bố, nền kinh tế Trung Quốc ghi nhận tốc độ tăng trưởng 6,4% trong quý 1/2019 - mức tăng trưởng ổn định so với quý trước và cao hơn mức tăng dự đoán 6,3% được giới phân tích đưa ra trước đó.

Sở dĩ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc duy trì ổn định là nhờ sản xuất tại các nhà máy tăng mạnh. Sản lượng công nghiệp của Trung Quốc bất ngờ tăng 8,5% trong tháng 3, mức cao nhất kể từ tháng 7/2014. 

Doanh số bán lẻ trong tháng 3 của Trung Quốc cũng ghi nhận mức tăng cao: 8,7%. Số liệu xuất khẩu cũng cao hơn dự báo. Kinh tế Trung Quốc tăng ổn định trở lại một phần cũng nhờ hàng loạt các biện pháp hỗ trợ từ chính phủ nước này như: giảm thuế, tăng đầu tư cho cơ sở hạ tầng,...

Trong phiên liền trước, chứng khoán Trung Quốc -  Hong Kong tăng vọt còn nhờ vào quyết định tái bơm tiền vào hệ thống tài chính của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC). Cùng với đó là dấu hiệu sự phục hồi của thị trường bất động sản... được cho là kết quả của một loạt biện pháp kích thích mà chính quyền Bắc Kinh đã triển khai từ năm ngoái.

Chứng khoán Trung Quốc tăng còn do giới đầu tư lạc quan vào khả năng nước này và Mỹ đạt được thỏa thuận thương mại.

Trung Quốc lợi thế bất ngờ, Donald Trump có yếu thế trên bàn đàm phán

Việc chứng khoán tăng tới 30% kể từ đầu năm (mức cao nhất thế giới) được xem là một yếu tố khá tích cực giúp Trung Quốc có lợi thế hơn trong cuộc đàm phán với chính quyền của tổng thống Mỹ Donald Trump.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã kéo dài gần 1 năm, với dấu mốc quan trọng là Mỹ đánh thuế lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc hồi tháng 9 năm ngoái. Ngay sau thời điểm đó, chứng khoán Trung Quốc đã lao dốc rất mạnh, có lúc rơi vào thị trường con gấu, giá xuống (bear market). Trong năm 2018, chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc sụt giảm 25%.

Thị trường chứng khoán Mỹ cũng giảm mạnh, với chỉ số S&P 500 mất 14% trong quí 4/2018.

Căng thẳng thương mại khiến giới đầu tư lo ngại cả hai nền kinh tế Mỹ, Trung Quốc sẽ bị thiệt hại nặng nề. 

Tuy nhiên, TTCK Mỹ đã chạm đáy trong tuần cuối cùng của tháng 12 ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đạt được một số tiến bộ trong đàm phán với Bắc Kinh. Đây cũng là lúc chứng khoán Trung Quốc bắt đầu hồi phục.

Chỉ số công nghiệp Dow Jones gần đây liên tục tăng mạnh và vượt xa mốc 26.000 điểm nhờ số liệu kinh tế và việc làm khả quan. Nỗi lo ngại về sự suy thoái kinh tế toàn cầu qua đó giảm bớt.

{keywords}
Còn nhiều vướng mắc.

Mỹ và Trung Quốc đã kết thúc nhiều vòng đàm phán thương mại quan trọng. Các quan chức Mỹ cho biết Trung Quốc đã đưa ra các đề xuất về một số vấn đề chưa từng có, bao gồm cả chuyển giao công nghệ bắt buộc.

Trong cuộc đàm phán diễn ra tại Washington hồi đầu tháng 4, Mỹ và Trung Quốc chọn năm 2025 là hạn chót để Bắc Kinh thực hiện cam kết mua hàng hóa và cho phép công ty Mỹ được sở hữu hoàn toàn doanh nghiệp tại quốc gia châu Á này.

Cả hai bên đều hướng tới mục tiêu là đạt được thỏa thuận về các vấn đề cốt lõi để Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể tổ chức lễ ký.

Với những diễn biến mới, nhiều nhà phân tích cho rằng, Trung Quốc đã lấy lại được một phần lợi thế trong cuộc đàm phán với chính quyền của tổng thống Trump.

Tuy nhiên, theo Reuters, trong một phát biểu tại Minnesota hôm 15/4, ông Trump tin Mỹ sẽ thắng Trung Quốc trong chiến tranh thương mại dù bất kỳ chuyện gì xảy ra, “bằng cách đạt thỏa thuận thương mại, hoặc không".

Cho dù hai bên đang tiến rất gần đến vòng cuối cùng nhưng theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ - Steven Mnuchin, Mỹ và Trung vẫn vẫn còn nhiều việc cần làm, trong đó có hoàn thiện cơ chế giám sát thực thi thỏa thuận.

Dưới con mắt của nhiều nhà phân tích Mỹ, những biến đổi tại Trung Quốc là rất đáng kể. Nền kinh tế Trung Quốc thực sự đang vươn lên mạnh mẽ, nhờ một loạt các chính sách tiền tệ nới lỏng và chính sách tài khóa cắt giảm thuế... Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rủi ro.

Nhiều người vẫn tỏ ra thận trọng với sự hồi phục của kinh tế Trung Quốc. Theo đó, tốc độ tăng trưởng 6,4% trong quý 1 vượt dự báo nhưng là mức tăng theo quý chậm nhất của Trung Quốc trong 27 năm qua. Sự hồi phục của một quý vẫn còn quá sớm để coi đây là sự đảo ngược tình thế bền vững.

Gần đây, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã cảnh báo Trung Quốc rằng việc kích thích quá đà có thể dẫn đến mất cân bằng kinh tế nghiêm trọng trong tương lai. OECD kêu gọi Bắc Kinh tiếp tục giảm nợ xấu và các khoản cho vay rủi ro.

Trước đó, giới đầu tư lo ngại nền kinh tế Trung Quốc sẽ hạ cánh cứng khi phải đối phó với Mỹ đúng thời điểm họ chuyển dịch mô hình tăng trưởng. Trung Quốc đang đối mặt với nhiều vấn đề, trong đó có hiện tượng tiêu dùng nội địa suy giảm và nhu cầu xuất khẩu chậm hơn ở nước ngoài, cũng như các khoản nợ ở cả lĩnh vực công và tư.

M. Hà