Trong khuôn khổ hội nghị Game Developers Conference 2015 được diễn ra hồi đầu tháng 3 vừa qua, ban tổ chức có mời nhiều chuyên gia có kinh nghiệm làm việc trong ngành công nghiệp game thế giới chia sẻ những bài diễn thuyết hấp dẫn về xu hướng cũng như hiện trạng thị trường game các khu vực ra sao.
Trong đó, ông Josh Burns, đồng giám đốc phụ trách sản phẩm ở 6waves, EA và nhiều công ty khác, đã có một bài diễn thuyết thú vị với đề tài: “Cơ hội châu Á: Chiến lược của các nhà phát triển mobile phương Tây”. Theo ông Burns chia sẻ, khi các doanh nghiệp game Âu – Mỹ nói tới “toàn cầu hóa”, đại đa số đều chỉ giới hạn trong khu vực phương Tây như Bắc Mỹ, châu Âu, chứ không hề nghĩ tới những nước không nói tiếng Anh, đặc biệt là khu vực châu Á – Thái Bình Dương với tiềm năng tăng trưởng trở thành thị trường game lớn nhất thế giới.
Thông thường, các doanh nghiệp Âu – Mỹ hay ngần ngại thâm nhập thị tường châu Á bởi nhiều yếu tố dễ gây hoài nghi và không chắc chắn. Ông Burns có lấy ba thị trường quan trọng nhất châu Á gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc làm ví dụ, và đưa ra những số liệu cụ thể để giải thích tiềm năng to lớn của phương Đông.
Nhật Bản
Nói tới Nhật Bản, chúng ta đều biết đây là một đất nước có ngành công nghiệp game phát đạt, các nhà phát triển game nội địa có thực lực mạnh và giàu sức sáng tạo, đại bộ phận game trên bảng xếp hạng đều có hình bóng của những công ty game Nhật Bản. Ngoài ra, ứng dụng và game mobile của smartphone Nhật Bản cũng đóng góp lớn vào quy mô thị trường toàn cầu, ví như quy mô thị trường cửa hàng Google Play lớn nhất thế giới, App Store cho iOS đứng thứ hai chỉ sau Mỹ, thị trường game mobile có trị khoảng 6 tỷ USD. Bên cạnh đó, hãng LINE đang có một địa vị rất quan trọng trong thị trường game mobile Nhật Bản, với số lượng 30 – 40 sản phẩm.
Hàn Quốc
Có thể nói Hàn Quốc là quốc gia của Android, bởi có tới 93% điện thoại di động của nước này đều sử dụng hệ điều hành Android. Nhưng bộ phận sử dụng các thiết bị di động của Apple ở Hàn Quốc lại thường lớp có tiền bạc và đóng góp tới 33% doanh số tiêu thụ thị trường. Bên cạnh đó, thị trường game mobile Hàn Quốc có giá trị khoảng 3 tỷ USD, bằng một nửa của Nhật Bản. Ở Hàn Quốc, Kakao là một trong những nền tảng phân phối game mobile nổi tiếng nhất với khoảng 520 sản phẩm hoạt động.
Trung Quốc
Hiện nay, Trung Quốc là nước tiêu thụ smartphone nói chung lớn nhất thế giới, tiêu thụ riêng iPhone cũng là số một toàn cầu. Thị trường game mobile nước này năm 2014 có quy mô khoảng 4,25 tỷ USD, tăng tưởng vượt bậc so với năm 2013. Ở Trung Quốc, WeChat là nền tảng phân phối game mobile lớn mạnh nhất, với hơn 1 tỷ người đăng ký, trong đó có 440 triệu người hoạt động hàng tháng, và vẫn đang trên đà tăng trưởng nhanh chóng. Thêm một điểm cần lưu ý nữa là Trung Quốc có một thị trường mobile mang tính chất “phân mảnh hóa” với hàng trăm cửa hàng ứng dụng.
Cuối cùng, ông Josh Burns có đưa ra lời khuyên cho các doanh nghiệp phương Tây rằng, nếu muốn nhanh chóng thâm nhập vào thị trường Trung - Nhật - Hàn, họ nên tìm kiếm một đối tác địa phương để tiện hoạt động. Đặc biệt là ở thị trường Trung Quốc, mặc dù người chơi ở đây cũng rất dễ dàng đón nhận game Âu – Mỹ, nhưng đại bộ phận game đều cần thông qua hợp tác với một doanh nghiệp bản địa thì mới phát hành được.
Theo Trí Thức Trẻ