Vợ chồng tôi có hai cậu con trai. Chồng tôi vắn số mất sớm, khi ấy con trai cả mới 5 tuổi còn con trai thứ chưa đầy 3 tuổi. Một nách hai con, tôi đã phải rất cố gắng để vừa làm mẹ vừa làm cha, vừa lo kinh tế gia đình. Thương các con chịu cảnh “cha dượng” nên sau khi chồng mất được nhiều năm, trong làng ngoài xã cũng có người “đánh tiếng” nhưng tôi vẫn kiên quyết ở vậy nuôi con chứ không đi bước nữa.
Thấm thoắt thời gian trôi, bao vất vả cũng qua đi theo hành trình khôn lớn của các con. Tôi vui mừng khôn xiết khi các con đều ngoan ngoãn, học hành giỏi giang. Con trai lớn sau khi tốt nghiệp đại học thì làm việc ở Hà Nội, rồi lập gia đình. Năm vừa rồi vợ chồng cháu đã mua được chung cư, tuy vẫn còn nợ nhưng số nợ không quá nhiều. Còn cậu con trai thứ thì ra trường rồi về quê mở cửa hàng kinh doanh buôn bán.
Chỉ hơn chục năm sau, một con đường lớn mở qua, mảnh đất ấy lại thành có 2 mặt tiền… (Ảnh minh hoạ). |
Về đất cát, ngoài mảnh đất rộng khoảng 80m2 của nhà chồng mà tôi đang ở, tôi có mua được một mảnh 40m2 do một người quen cùng làng nợ nần quá nên bán gấp. Thời ấy, làng vẫn chưa lên phố, giá đất còn rẻ, mảnh ấy lại nhỏ nên đúng là giá rẻ như cho. Thật không ngờ chỉ hơn chục năm sau, một con đường lớn mở qua, mảnh đất ấy lại thành có 2 mặt tiền, giá trị tăng lên nhiều lần, nếu bán đi thì giá còn cao hơn mảnh 80m2 mà tôi đang sống. Hiện mảnh đất 40m2 tôi đang để vợ chồng cậu con trai thứ mở cửa hàng kinh doanh.
Giữa năm vừa rồi, tôi bị một cơn đột quỵ, may được hàng xóm phát hiện kịp thời, báo cho vợ chồng con trai thứ đưa đi cấp cứu. Dù không nguy hiểm đến tính mạng nhưng sau đợt đó, sức khỏe tôi kém đi nhiều nên chuyển hẳn sang ở nhà con trai thứ. Nghĩ rằng mình già cả, sống chết chẳng biết trước nên sau đó một thời gian, tôi tập trung các con lại để bàn chuyện chia đất cát. Tôi muốn để cho cậu con trai cả mảnh 80m2 vì đó là đất hương hỏa của tổ tiên, chia cho con trưởng là hợp lý. Còn mảnh 40m2 con trai thứ sẽ được hưởng vì đã sinh sống đồng thời mở cửa hàng kinh doanh trên mảnh đất đó lâu. Tôi nghĩ chia như vậy là hợp tình hợp lý, vì vợ chồng con trai cả chủ yếu sống ở Hà Nội, còn con trai thứ được mảnh kia thì sẽ thuận lợi buôn bán hơn.
Trong buổi nói chuyện chia đất, tôi không thấy các con phản đối gì nên vui mừng nghĩ rằng cách tính toán của mình là trọn vẹn cả đôi đường rồi. Thế nhưng hóa ra tôi đã lầm. Cuối năm, vợ chồng con trai trưởng mãi 30 Tết mới về, rồi nói là chỉ thắp hương tổ tiên xong đi luôn. Thấy vậy, con trai thứ cằn nhằn: “Anh là con trưởng mà Tết nhất không về quê, để nhà cửa lạnh lẽo. Mọi năm mẹ ở nhà hương khói, năm nay mẹ ở với chúng em, nhà cũ mẹ đã chia cho anh, anh chị phải có trách nhiệm”. Con trai trưởng liền bật lại: “Tôi mang tiếng là trưởng nhưng mẹ thương cô chú hơn, đến cả việc chia đất cũng cho mảnh ngon, giờ cô chú còn muốn vợ chồng tôi trách nhiệm thế nào?”.
Nghe các con cãi vã, tôi vô cùng đau đớn. Hóa ra, vợ chồng con trai cả dù không nói thẳng ra với tôi nhưng trong lòng lại luôn tị nạnh về chuyện mẹ chia đất không công bằng. Còn vợ chồng con trai thứ thì nghĩ rằng tôi là “gánh nặng”, vì phải chăm nuôi “gánh nặng” nên được chia phần đất tốt hơn.
Những ngày này, có lẽ giờ gia đình nào cũng sum tụ, quây quần vui vẻ với con, với cháu ngày Tết. Còn tôi là mấy ngày Tết mà đêm nào trằn trọc nghĩ lại chảy nước mắt. Các cụ nói cấm có sai "sống khỏe, chết nhanh, ít của để dành” có khi lại là hạnh phúc. Nhiều đêm tôi cứ vắt tay lên trán mà nghĩ, giá như mình chả có gì để chia cho các con, có khi cả nhà đã ăn Tết ấm cúng hơn.
Hưng Nguyên (ghi theo Vũ Thị Ngà - Hưng Yên)
Xây nhà trên đất mẹ chồng cho, nàng dâu ngậm ngùi ra đi tay trắng
- Dốc hết tiền bạc xây nhà, sắm sửa nội thất cho căn nhà nhưng khi ly hôn tôi phải ra đi tay trắng.