- Dù lạm phát năm 2016 thấp nhưng theo các chuyên gia trong ngành bán lẻ, giá cả hàng tiêu dùng có thể giảm thấp hơn nữa, có thể rẻ hơn 5-10% so với hiện nay, nếu không có quá nhiều khâu trung gian vô lý như vậy.


Trung gian kiếm lời quá cao

Không có những vụ khan hàng, không đầu cơ ồ ạt, không sốt ảo... và với chỉ số giá tiêu dùng tăng 4,74%, thị trường giá cả hàng hoá năm 2016 có thể nói rằng rất tích cực và đáng phấn khởi.

Tuy vậy, đằng sau việc hoàn thành mục tiêu lạm phát dưới 5%, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội vẫn mang nhiều tâm tư về những điểm đen trong bức tranh thị trường nhiều năm nay chưa khắc phục được.

Giãi bày tại cuộc hội thảo về vấn đề này do Viện Kinh tế tài chính- Học viện tài chính tổ chức hôm 29/12, ông Phú kể: "Một chục quả trứng gà ở Vĩnh Phúc chỉ có 20.000 đồng, nhưng đi một đoạn đường có 65km, chục trứng ấy bán trong các siêu thị Hà Nội đã lên tới 43.000-47.000 đồng. Lý do là bởi mỗi quả trứng chịu tới 14 loại chi phí và qua tới 2-3 tay nhà buôn. Điều vô lý này vẫn tồn tại nhiều năm mà chưa được giải quyết".

{keywords}
Trứng gà trong siêu thị thường đắt đỏ do bị đẩy ra quá cao 

Theo ông Phú, hàng hoá trên thị trường bán lẻ chịu tác động bởi chi phí sản xuất và chi phí trung gian vô lý nhưng không được khắc phục bài bản, do vậy, vẫn đứng ở một mức giá cao và thực tế, có cơ sở để điều chỉnh xuống cho phù hợp.

Chưa kể, tình trạng ép giá, ép cấp vẫn xảy ra ở nhiều mặt hàng khác trong năm qua. "Ví dụ, ở Đồng Tháp, 1 kg quả chanh bán tại gốc cây được có 200- 300 đồng nhưng khi vận chuyển ra Hà Nội và một số tỉnh khác, mức giá đã đội lên tới 20.000-30.000 đồng/kg, gấp tới 100 lần so với giá gốc. Dừa Bến Tre cũng vậy, bị ép giá dẫn tới, giá bán lẻ ngoài thị trường đã cao gấp 2-4 lần so với giá thương lái mua tại vườn của bà con. Và với tình trạng như vậy thì việc bà con nông dân phải đổ củ đậu cho bò ăn như ở Bình Phước sẽ còn tiếp diễn", ông Phú dẫn chứng.

Vị Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội gọi đó là màu xám trong bức tranh thị trường giá cả năm qua. Những bất hợp lý trong mối quan hệ giữa nguồn cung và hệ thống phân phối mà ông từng nêu ra nhiều năm nay tvẫn chưa được giải quyết.

Chỉ 1 tháng nữa là Tết Âm lịch Đinh Dậu, theo ông Phú, điều quan tâm nhất của người dân lúc này là những cam kết không để xảy ra tăng giá bất hợp lý đảm bảo chất lượng hàng hoá trên thị trường.

Tuy nhiên, nhìn về cách thức bình ổn giá dịp Tết của các chính quyền địa phương thì ông Phú vẫn chưa an tâm.

"Năm ngoái, Hà Nội công bố có 32.000 tấn rau tham gia thị trường, nhưng Tết đến, giá rau, ví dụ như giá cà chưa vẫn tăng gấp 3-4 lần mà chưa thấy ai chịu trách nhiệm?" ông Phú nói.

Ông bình luận: "Thực chất, ngành công thương các tỉnh thành chỉ nắm được Quỹ hàng hoá bình ổn khoảng 30%, còn lại, 70% chính là các tiểu thương quyết định, là đối tượng nắm giữ quỹ hàng hoá lớn nhất nhưng lại chưa được tổ chức chặt chẽ".

"Từ khoảng thời điểm Tết ông Công, ông Táo đến Tết âm lịch, năm nào cũng vậy, với những mặt hàng dầu vị như gà ta, giò, thuỷ hải sản cao cấp, rau quả..., các công ty Nhà nước, siêu thị chỉ có số lượng ít, tiểu thương khi đó chính là người quyết định giá bán trên thị trường chung và mức tăng thường là 20-30% so với trước", ông Phú phân tích.

Theo ông Phú, Nhà nước cần phải có cơ chế giảm bớt khâu trung gian, giảm bớt chi phí trung gian phi lý trong hệ thống phân phối hàng hoá hiện nay, làm sao có mức lợi nhuận hợp lý cho khâu sản xuất, là cái gốc phát triển bền vững. Điều quan trọng nữa là chính các doanh nghiệp bán lẻ cũng cần tự nhận thức là mình đã hưởng mức lợi nhuận quá mức. Làm được như vậy thì giá lương thực, thực phẩm đến tay người tiêu dùng có thể giảm được tới 5-10%.

Vẫn lo lạm phát 2017

Nhìn về năm 2017, không chỉ giới chuyên gia kinh tế độc lập mà báo cáo từ các vị lãnh đạo cơ quan quản lý lĩnh vực thị trường, giá cả hai Bộ Công Thương- Tài chính cũng đã đưa ra những mối quan ngại về kiểm soát lạm phát.

Mục tiêu Quốc hội đưa ra trong Nghị quyết về phát triển kinh tế xã hội năm 2017 là chỉ số giá tiêu dùng bình quân dưới 4%, tức thấp hơn năm nay.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, trong bài tham luận của mình đã dự báo: "khó đạt được".

Lý do là bởi giá cả năm tới sẽ chịu nhiều áp lực từ chính sách trong nước tới xu hướng giá thế giới.

Theo ông An dẫn chứng, đồng USD mạnh lên sau khi FED điều chỉnh tăng lãi suất đợt vừa qua và dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng trong năm 2017 chắc chắn sẽ tác động đến giá hàng hoá xuất nhập khẩu, qua đó, sẽ ảnh hưởng đến giá cả trong nước. Việc OPEC cắt giảm sản lượng khai thác dầu thô cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến giá các mặt hàng nhiên liệu, năng lượng và dự kiến, mặt bằng giá xăng dầu trong nước năm tới sẽ cao hơn năm nay.

Cùng đó, lương cơ bản tăng 7,4% từ ngày 1/7/2017, giá các dịch vụ hàng hoá như giá nước, giáo dục, y tế sẽ còn tăng lên trong năm tới theo lộ trình thị trường hoá... Tất cả những điều này sẽ là áp lực lớn cho giá cả năm tới.

Dù vậy, ông An cho rằng, giá cả năm tới sẽ ít có những biến động bất thường, giá cả chịu tác động bên ngoài nhưng Nhà nước sẽ kiểm soát, còn phía cầu tuy khả quan nhưng không tăng mạnh.

Cục Quản lý Giá, Bộ Tài chính cho rằng, trong vấn đề này, cần phải tăng cường trách nhiệm quản lý của các bộ ngành đối với hàng hoá, dịch vụ do mình phụ trách. Cục sẽ tăng cường công tác giám sát chặt chẽ việc kê khai giá, đánh giá kỹ các tác động điều chỉnh giá để có phương án điều hành phù hợp.

Phạm Huyền