W-cuu-nan-1-2.jpg
    Huấn luyện cẩu cứu người trên biển của Trung đoàn 930.

Tình huống giả định đặt ra cho đơn vị là: có 2 ngư dân gặp nạn trôi dạt trên biển, các phương tiện khác chưa thể tiếp cận, cấp trên yêu cầu Trung đoàn 930 dùng trực thăng tìm kiếm và cứu người dân bị nạn. Ngay sau khi nhận được mệnh lệnh, Trung đoàn nhanh chóng giao nhiệm vụ, tổ bay, lực lượng cứu hộ, cứu nạn làm công tác chuẩn bị và khẩn trương lên trực thăng cất cánh, bay về khu vực người bị nạn.

Khi xác định đúng tọa độ, tổ bay cho trực thăng hạ thấp độ cao tiếp cận mục tiêu, treo ở độ cao thấp và tiến hành dùng cẩu thả người nhái xuống, nhanh chóng tiếp cận giúp người bị nạn vào nôi cẩu và cẩu lên trực thăng. Trên máy bay, đồng chí quân y tiến hành sơ cứu: hô hấp nhân tạo, ủ ấm, tiêm trợ tim, trợ lực…

Chỉ trong thời gian ngắn, 2 người bị nạn được trực thăng cẩu cứu và nhanh chóng đưa về cơ sở điều trị an toàn.

“Cứu hộ, cứu nạn người trôi dạt trên biển là một nội dung khó. Ngoài việc xác định tọa độ để đưa trực thăng tiếp cận nạn nhân thì việc đưa người lên trực thăng cũng không đơn giản. Trực thăng phải treo ở độ cao thấp, nên tải trọng lớn, vòng quay của cánh quạt tạo nên gió rất mạnh, lực lượng người nhái phải có sức khỏe, kỹ thuật tốt, dự kiến nhiều phương án phù hợp để tiếp cận như: thả thang dây, dùng nôi cẩu, phối hợp chặt chẽ với nạn nhân, lực lượng cứu hộ mới đưa được nạn nhân lên máy bay …”, Thiếu tá Phạm Đức Huy – Chủ nhiệm dù Trung đoàn 930 chia sẻ.

Thượng tá Nguyễn Văn Lai – Trung đoàn trưởng cho biết, địa hình cứu hộ cứu nạn của đơn vị trải dài từ vĩ tuyến 13 đến vĩ tuyến 18, nhiều đồi núi hiểm trở, khó xác định bãi hạ cánh. Bên cạnh đó, công tác bảo đảm kỹ thuật, hậu cần trong mùa mưa bão gặp nhiều khó khăn.

Chính vì vậy Trung đoàn luôn chủ động xây dựng kế hoạch bay sát với yêu cầu nhiệm vụ và thường xuyên tổ chức luyện tập cho các lực lượng như: tổ bay; dẫn đường trên không, mặt đất; lực lượng cơ động ứng cứu, quân y… Để sát yêu cầu nhiệm vụ, Trung đoàn thường xuyên nghiên cứu đặc điểm tình hình, nhiệm vụ liên quan (Địa hình, thời tiết, yêu cầu của trên…) để xác định các khoa mục huấn luyện phù hợp.

W-cuu-nan-2-2.jpg
 Huấn luyện cẩu cứu người trên nhà cao tầng của Trung đoàn 930.

Từ cơ quan Trung đoàn đến các phi đội xây dựng kế hoạch và tổ chức huấn luyện bay khoa học, chặt chẽ. Đơn vị lựa chọn những phi công, tổ bay có kinh nghiệm, tổ chức huấn luyện, thực hành thành thạo từng khoa mục, sau đó huấn luyện nhân rộng cho phi công, tổ bay khác.

Để tổ bay có thể thực hiện được nhiều nhiệm vụ, Trung đoàn tổ chức huấn luyện trên địa hình, không gian, thời gian và điều kiện thời tiết khác nhau; chú trọng huấn luyện các bài bay khó, bay ứng dụng như: bay đêm, cẩu cứu người trên biển, rừng núi, treo thả hàng; hiệp đồng giữa tổ bay với lực lượng cứu hộ, cứu nạn, hiệp đồng trên không mặt đất... Từ đó, rèn luyện cho phi công, tổ bay có được bản lĩnh, kỹ năng độc lập, sáng tạo trong xử trí các tình huống.

Bên cạnh đó, phân công từng tổ bay luân phiên trực cứu hộ cứu nạn ở nhiều sân bay; thường xuyên tổ chức huấn luyện các phương án cho lực lượng cứu hộ, cứu nạn, quân y để sẵn sàng xử lý các tình huống. Đồng thời, luôn chú trọng làm tốt công tác đảm bảo kỹ thuật, hậu cần cho các nhiệm vụ; duy trì nghiêm chế độ, nền nếp canh trực ở các vị trí, đặc biệt trong thời điểm mưa, bão. 

Thiếu tá Lê Tiến Dũng – Chủ nhiệm an toàn bay của Trung đoàn là người có nhiều kinh nghiệm trong cứu hộ, cứu nạn. Anh là phi công lái chính, cùng tổ bay thực hiện nhiều chuyến bay cứu hộ, cứu nạn cho bà con nhân dân ở các tỉnh miền Trung trong dịp mưa lũ lịch sử năm 2020 như: thủy điện Rào Trăng 3, các huyện miền núi (Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị; Phước Sơn, Quảng Nam).

Anh cho biết, khi làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn thường trong điều kiện khí tượng phức tạp, bay trong mưa, gió lớn, nơi có núi cao, sương mù nhiều, gió quẩn mạnh, rất khó quan sát nên rất nguy hiểm, dễ gây căng thẳng, mệt mỏi cho phi công, tổ bay, chỉ cần một sơ suất nhỏ là có thể uy hiếp an toàn bay.

Có những nhiệm vụ ngoài kế hoạch và ngoài tính năng của trực thăng như bay cẩu cứu người trên nhà cao tầng. Để thực hiện được nhiệm vụ này, phi công, tổ bay phải có bản lĩnh vững vàng, kỹ thuật lái tốt, xác định đúng phương án và thành thạo xử lý các tình huống có thể xảy ra.

“Chúng tôi vừa huấn luyện nâng cao kỹ thuật lái cho phi công, tổ chức luyện tập những tình huống tương tự như: cẩu cứu người trên biển, trên sông, cứu hộ cứu nạn trên đảo xa, cứu hộ trên nhà cao tầng, vừa nghiên cứu phương án tối ưu, vừa rút kinh nghiệm để có kết quả cao nhất và an toàn cho người và trang bị...”, Thiếu tá Lê Tiến Dũng chia sẻ.

W-cuu-nan-3-2.jpg
Quân y Trung đoàn 930 sơ cứu người bị nạn trên trực thăng (xã Hướng Việt, Hướng Hóa, Quảng Trị, ngày 23/10/2020)

Thượng tá Trần Năng Suất – Chính ủy Trung đoàn cho biết thêm, để huấn luyện sát yêu cầu nhiệm vụ, Đảng ủy Trung đoàn đều có nghị quyết chuyên đề lãnh đạo nhiệm vụ nhiệm vụ mới, nhiệm vụ khó. Trung đoàn phát huy tinh thần ham bay, say học, nâng cao vai trò của các tổ chức; tổ chức sơ, tổng kết rút kinh nghiệm, khen thưởng kịp thời; nhân rộng các mô hình điển hình, cách làm hay hiệu quả.

Đến nay, Trung đoàn có 8 tổ bay có thể thực hiện được các nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn. Những năm qua, ngoài việc tham gia nhiều cuộc diễn tập, thực hành bắn, ném bom, đạn thật mục tiêu mặt đất, mặt biển đều đạt giỏi và xuất sắc, Trung đoàn đã phối hợp với Vùng 3, Quân chủng Hải quân; Công an thành phố Đà Nẵng hoàn thành các cuộc diễn tập cứu hộ, cứu nạn trên biển, trên nhà cao tầng; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bay thả hàng tiếp tế, cấp cứu người bị nạn ở Thủy điện Rào Trăng 3, Thừa Thiên Huế và các tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam...

Luyện tập thành thạo các bài bay, nâng cao trình độ xử trí các tình huống của tổ bay, phi công và các lực lượng đã giúp Trung đoàn 930 tăng cường khả năng cơ động nhanh ứng phó có hiệu quả công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn góp phần cùng các đơn vị giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, đảm bảo an toàn cho nhân dân trên địa bàn đóng quân.

Văn Cảnh và nhóm PV, BTV