- Liên quan đến việc đấu giá lô đất A20 đường Võ Văn Kiệt (Phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) trị giá 650 tỷ đang gây tranh cãi, Đà Nẵng đã có báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ với đề xuất hủy kết quả đấu giá. Ngay sau đó, DN trúng đấu giá cũng có đơn kêu lên Thủ tướng. Trong khi đó, các bộ ngành cũng đã có những ý kiến khác nhau về việc này.
Trúng đấu giá 600 tỷ không được nhận đất: Bộ vào cuộc, Đà Nẵng phản đáp
Trúng đấu giá 650 tỷ không được nhận đất: Doanh nghiệp kêu lên Thủ tướng
Ngày 1/11/2018, Đà Nẵng đã có báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ về đấu giá khu đất. Cụ thể, theo báo cáo Đà Nẵng gửi lên Thủ tướng, giữa năm 2017, Đà Nẵng có tổ chức cuộc đấu giá lô đất trên với giá khởi điểm 36 triệu đồng/m2. Đơn vị trúng giá là Công ty Vipico vì trả giá cao nhất là 652 tỷ đồng cho lô đất, bình quân 56,8 triệu đồng/m2 (cao hơn gần 240 tỷ đồng so với giá khởi điểm). Theo đó, việc nộp tiền được chia làm 2 đợt. Đợt 1, trong thời hạn 30 ngày (tức đến 20/10) Vipico phải đóng 50% số tiền sử dụng đất theo thông báo của Cục thuế Đà Nẵng. Đợt 2, trong 60 ngày sau đó (tức đến 19/12/2017) công ty nộp nốt 50% số tiền còn lại.
Trong báo cáo của Đà Nẵng cho biết, Vipico đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính đợt 1 đúng hạn, song đợt 2 lại chậm đóng 52 ngày. Đồng thời, cơ quan này viện dẫn báo cáo của Kiểm toán Nhà nước yêu cầu huỷ kết quả bán đấu giá. Vì thế, UBND TP. Đà Nẵng đề xuất hủy kết quả đối với khu đất Vipico đã trúng đấu giá.
Trong khi đó, trong đơn gửi Thủ tướng, Vipico khẳng định, đơn vị này chậm nộp tiền là có lý do và đã có văn bản xin phép. Theo đó, trước ngày đến hạn nộp đợt 2, để tránh rủi ro xảy ra, công ty đã chủ động xin ý kiến UBND TP. Đà Nẵng về việc xin giãn thời gian nộp tiền đợt 2 và được phản hồi là chờ ý kiến của Bộ Tài chính.
Khu đất vàng án ngữ cạnh cầu Rồng đã được UBND TP Đà Nẵng công nhận đơn vị trúng đấu giá là công ty Vipico. Ảnh: Cao Thái |
Sau đó, Bộ Tài chính đã có Công văn 1712/BTC-TCT ngày 9/2/2018 nêu rõ, trường hợp của Vipico có thể áp dụng chế tài nộp tiền chậm nộp theo định mức quy định của pháp luật về quản lý thuế. Và ngay sau đó, Vipico đã nộp đủ 100% số tiền trúng đấu giá quyền sử dụng đất và số tiền chậm nộp cho Cục thuế thành phố.
Trao đổi với Đà Nẵng về việc này, các bộ ngành cho rằng, Vipico đã chậm nộp tiền trúng đấu giá đất, nhưng có thể áp dụng chế tài nộp tiền chậm nộp theo mức quy định của pháp luật về quản lý thuế, đồng thời đề nghị chính quyền triển khai sớm việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp.
Trong khi đó, theo Sở Tư pháp TP. Đà Nẵng, người trúng đấu giá có trách nhiệm nộp tiền đấu giá theo thông báo của Cục thuế. Nếu chậm nộp thì phải nộp tiền chậm nộp theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. Việc hủy kết quả bán đấu giá của Công ty cổ phần Vipico là không phù hợp với quy định của Luật đấu giá tài sản.
Bộ Tư pháp cũng đã có văn bản số 532 ngày 4/10/2018 gửi UBND TP Đà Nẵng, trong đó cho rằng việc UBND TP Đà Nẵng chậm giải quyết các thủ tục giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người trúng đấu giá sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp thực hiện đầu tư, kinh doanh trên địa bàn thành phố và gây ra nhiều hệ lụy.
Bộ TN&MT cũng có văn bản gửi Sở TN&MT Đà Nẵng. Theo văn bản của Bộ này, trường hợp Vipico trúng đấu giá và đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo hướng dẫn của Bộ Tài chính thì Sở TN&MT trình UBND TP. Đà Nẵng cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ký hợp đồng thuê đất với diện tích đất thuê, tổ chức giao đất trên thực địa.
Trong khi đó, qua các buổi làm việc và báo cáo mới nhất lên Thủ tướng, TP Đà Nẵng vẫn bày tỏ quan điểm huỷ kết quả đấu giá với lý do DN chậm nộp tiền và dẫn thêm kết quả Kiểm toán Nhà nước đã có yêu cầu.
Cụ thể, Kiểm toán dẫn chiếu nội dung Cục Thuế Đà Nẵng có thông báo cho doanh nghiệp như sau: “Quá thời hạn theo thông báo của cơ quan thuế mà người nộp tiền sử dụng đất không nộp đủ tiền vào ngân sách nhà nước thì hủy kết quả đấu giá và thu hồi tiền cọc nộp ngân sách thành phố theo quy định tại Quyết định số 01/2015/QĐ-UBND của UBND TP. Đà Nẵng”.
Tuy nhiên, Quyết định số 01/2015/QĐ-UBND nêu trên là văn bản được chính UBND TP Đà Nẵng công bố đã hết hiệu lực từ ngày 1/7/2017, trước thời hạn Vipico được UBND TP Đà Nẵng ra quyết định công nhận trúng đấu giá lô đất nêu trên.
Trao đổi với PV. VietNamNet, một chuyên gia trong ngành bất động sản cho biết, trường hợp trúng đấu giá đất nhưng chậm nộp tiền không phải là hiếm, nhiều địa phương vẫn quyết định cho đơn bị trúng đấu giá giãn nợ và nộp tiền chậm nộp theo quy định với quan điểm thu được tài chính cao nhất cho địa phương và tạo thuận lơi cho DN. Việc quyết định phạt hay huỷ đều phải căn cứ theo quy định pháp luật.
Trong trường hợp này, DN đã chủ động xin chậm nộp để chờ ý kiến từ Bộ Tài chính, như vậy, việc chậm nộp là chờ hướng dẫn và sau khi có hướng dẫn,doanh nghiệp đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình.
Thực tế, cùng việc chậm nộp tiền mua tài sản là đất đai không hiếm và có nhiều cách xử lý khác nhau. Cụ thể, ngày 23/6/2015, khu đất 23 Lê Duẩn (Quận 1, TP. HCM) được tổ chức bán đấu giá. Sau 16 vòng đấu giá và 76 bước giá, Công ty Tân Hoàng Minh trúng với mức giá 1.430 tỉ đồng, loại hai đối thủ nặng ký khác. Mức giá này gấp 2,6 lần giá khởi điểm và cao nhất tại các phiên đấu giá từ trước đến nay.
Tuy nhiên, sau hơn 1 năm trúng giá Tân Hoàng Minh vẫn chỉ đóng 83 tỷ đồng tiền cọc mà không chịu nộp khoản 1.430 tỷ đồng tiền mua đất, trong khi quy định là sau 180 ngày đơn vị trúng giá phải nộp tiền vào kho bạc.
Theo báo cáo của Sở Tài chính, tính đến cuối năm 2016, Công ty Tân Hoàng Minh đã hoàn tất việc nộp số tiền 1.430 tỉ đồng. Tuy nhiên, do chậm nộp theo tiến độ nên số tiền chậm nộp đã phát sinh gần 264 tỉ đồng. Sau khi DN này đóng đủ tiền đấu giá và tiền phạt đã được giao đất.
Trà Phương
Báo cáo Thủ tướng vụ trúng đấu giá 650 tỷ không được nhận đất
UBND TP Đà Nẵng khẳng định hai căn cứ để thu hồi kết quả đấu giá là DN chậm nộp tiền và kết luận của Kiểm toán Nhà nước.