Dự kiến dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022).
Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông cho biết, việc ban hành Nghị quyết sẽ đáp ứng nhu cầu của người dân trong việc lựa chọn, sử dụng biển số theo nhu cầu. Qua đó tăng nguồn thu cho ngân sách, có kinh phí đầu tư hệ thống cơ sở vật chất cho công tác đăng ký, cấp biển số phục vụ công tác quản lý nhà nước.
Theo Uỷ ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội, việc cấp quyền sử dụng biển số xe ô tô thông qua đấu giá còn tránh dư luận xã hội cho rằng, có sự thiếu minh bạch, có hành vi trục lợi trong việc cấp biển số xe, nhất là có nhiều xe ô tô giá trị cao, ‘xe sang’ thường hay có ‘biển số đẹp’.
Uỷ ban Quốc phòng an ninh cho hay, việc cấp biển số xe ô tô thông qua đấu giá ở tất cả các địa phương đều áp dụng một quy trình thống nhất và nhu cầu lựa chọn ‘biển số đẹp’ xuất hiện với nhiều người, ở nhiều nơi.
Cùng vấn đề trên, Thiếu tướng Nguyễn Tiến Nam, Viện trưởng Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) nêu thực tiễn cho thấy, người dân có nhu cầu biển số đẹp rất nhiều, do đó cần thiết ban hành dự thảo Nghị quyết.
Tuy nhiên, ông Nam đề nghị, cần quy định rõ người trúng đấu giá được chuyển nhượng bao nhiêu lần, hay quyền sử dụng biển số trong bao nhiêu năm để phòng tình trạng đầu cơ trong mua bán, chuyển nhượng biển số, tránh tình trạng chuyển đổi liên tục như đất đai.
Uỷ viên Uỷ ban Quốc phòng an ninh Nguyễn Thị Kim Bé băn khoăn, quy định người trúng đấu giá phải có nghĩa vụ đăng ký xe trong thời hạn 12 tháng. Bà đưa ra giả thiết trong thời gian đó người dân gặp sự cố, không kịp mua xe thì sao? Do vậy, Nghị quyết cần quy định như thế nào để vẫn đảm bảo quyền của người tham gia đấu giá.
Cùng vấn đề trên, Uỷ viên chuyên trách Uỷ ban Quốc phòng an ninh Trịnh Xuân An cho rằng, nên quy định đấu giá xong thì đăng ký ngay để hạn chế mua bán, tặng cho. “Đấu giá xong là phải gắn vào xe để đi chứ không phải giữ khư khư biển số đó. Như thế mới chặt chẽ, không tạo ra câu chuyện đầu cơ. Quan điểm của tôi là để 90 ngày, khoảng 3 tháng là phù hợp”, ông An nêu quan điểm.
Theo Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng an ninh, tâm lý những người trúng đấu giá là muốn gắn biển đi ra đường ngay, do đó cần tính toán chỉ 6 tháng, nếu để 12 tháng thì lâu quá. Đồng thời, ông lưu ý, chủ xe trong 12 tháng có nhiều vấn đề phát sinh xảy ra, bất khả kháng thì Ban soạn thảo Nghị quyết cũng cần tính toán phương án để đỡ rắc rối trong quá trình thực thi.
Lý giải vấn đề trên, theo Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long, lúc đầu Ban soạn thảo định quy định 3 tháng, cùng lắm là 6 hoặc 9 tháng. Thực tế những người tham gia đấu giá thường mua xe sang, có thể lên đến 60-70 tỷ đồng, không phải có tiền là mua được ngay mà có thể đặt rồi 1 năm mới có xe.
“Qua tìm hiểu, chúng tôi nghĩ rằng thời gian 12 tháng cũng rất phù hợp, vì xe sang về Việt Nam qua làm thủ tục thuế, hải quan, nhập khẩu các kiểu mới đăng ký được”, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long nói thêm.
Ngày 13/10, Tổng Thư ký Quốc hội có Thông báo số 1535/TB-TTKQH Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá. Về một số nội dung của dự thảo Nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến như sau: Nhất trí chỉ thí điểm đối với biển số xe ô tô chữ đen nền trắng trong kho biển số chưa được đăng ký; đồng ý cho đấu giá trong trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, một người tham gia đấu giá, một người trả giá. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị nghiên cứu bổ sung các quyền, nghĩa vụ của người trúng đấu giá và người nhận chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế để quy định cho phù hợp; áp dụng thống nhất trên toàn quốc một mức giá khởi điểm chung. |