Dịch bệnh Covid-19 đã kéo theo sự bùng nổ của các hoạt động trực tuyến, trực tiếp và từ xa, trải dài từ các lĩnh vực giải trí đến giáo dục, y tế. Tuy nhiên, trong từng lĩnh vực, khái niệm này lại có những cách hiểu tương đối khác nhau.
Lĩnh vực giải trí
Đối với lĩnh vực giải trí như game, phim ảnh hay mạng xã hội, trực tuyến (online) và trực tiếp (livestream) có một cách hiểu chung là phát trực tiếp một sự kiện đang diễn ra mà không có sự can thiệp chỉnh sửa. Mặc dù vẫn có những ngoại lệ nhất định như ghi hình lại sự kiện rồi phát trực tiếp, nhưng nhìn chung online và livestream không có sự khác biệt lớn nào.
Livestream bán hàng trên mạng xã hội cũng được gọi là bán hàng online. |
Điểm khác nhau lại nằm ở khái niệm offline, đối với mạng xã hội hay phim thì đây được hiểu là trạng thái ngoại tuyến, không có kết nối Internet. Còn với game, offline có thể hiểu là buổi gặp mặt trực tiếp hoặc thi đấu trực tiếp với nhau (dù có thể vẫn phải kết nối Internet đến máy chủ trò chơi nằm ở rất xa khu vực thi đấu). Chỉ khi nói đến thể loại game offline, người ta mới hiểu đó là dạng game ngoại tuyến không cần kết nối Internet và có ít người chơi. Ngược lại, game online là game trực tuyến yêu cầu kết nối Internet để tham gia với hàng triệu người khác.
Khái niệm cuối cùng là từ xa (remote) không có nhiều cách hiểu khác nhau. Cơ bản đây là phương thức dùng một thiết bị để điều khiển một thiết bị khác từ xa, thông qua việc sử dụng phần mềm chia sẻ quyền truy cập như TeamViewer.
Lĩnh vực giáo dục, y tế
Như đã nói ở trên, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, khái niệm trực tuyến và từ xa đã dần phổ cập trong các lĩnh vực tưởng chừng như chỉ có thể tiếp xúc trực tiếp tại chỗ như dạy học, khám chữa bệnh.
Với lĩnh vực y tế, khái niệm khám bệnh trực tuyến hay từ xa đều hiểu chung là dịch vụ thăm khám bệnh nhân thông qua kết nối Internet. Hiện tại, một số bệnh viện đã triển khai đến mức độ lấy mẫu xét nghiệm và cấp thuốc tại nhà. Ngoài ra, các bệnh viện còn kết hợp hội chẩn từ xa và phát trực tiếp (livestream) hoạt động thăm khám trên mạng xã hội để phổ cập hơn nữa dịch vụ này.
Người học trực tuyến phải tập trung lắng nghe bài giảng trong khi người học từ xa có thể tạm dừng bài giảng (bên phải). |
Với giáo dục, học trực tuyến (e-learning) là thứ đã dần quen thuộc với đời sống học sinh, sinh viên hiện nay. Phương thức này yêu cầu bắt buộc học sinh vẫn phải có mặt đúng giờ, có các thiết bị kết nối Internet với loa và mic cũng như webcam để tiến hành học tập.
Trong khi đó, học từ xa (cũng gọi là e-learning) là phương pháp giảng dạy yêu cầu kết nối Internet nhưng người thầy không giảng dạy trực tiếp. Thay vào đó, người học có thể học ở bất cứ đâu vào bất cứ thời điểm nào với bài giảng đã được ghi lại từ trước. Khái niệm này đã được cụ thể hóa trong văn bản Luật giáo dục đại học sửa đổi năm 2018.
Lĩnh vực khác
Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều ngành nghề đang phải có sự thích ứng cao độ để đảm bảo công việc không bị gián đoạn, đình trệ. Với nhiều người, khái niệm làm ở nhà (work from home) đã trở nên khá quen thuộc. Tuy nhiên, làm ở nhà cũng có hai loại khác nhau là làm việc trực tuyến (online) và làm việc từ xa (remote).
Làm việc trực tuyến là sử dụng các thiết bị cá nhân kết nối Internet với đồng nghiệp qua các phần mềm văn phòng như Zoom, Skype cùng các dịch vụ khác. Cách làm này có thể áp dụng cho hầu hết các công việc văn phòng mà không bắt buộc sử dụng dữ liệu nội bộ. Còn làm việc từ xa là điều khiển máy tính tại văn phòng bằng thiết bị tại nhà, để từ đó người lao động có thể truy cập vào mạng nội bộ và sử dụng các tài nguyên riêng của công ty.
Phương Nguyễn
Vì sao các nền tảng trực tiếp Việt thường thua đau trên sân nhà?
Từ Umbala đến 360Live, các nền tảng công nghệ Việt thường không thể cạnh tranh được với các đối thủ nước ngoài như TikTok hay Bigo Live. Vì đâu nên nỗi?