- Bàn tròn trực tuyến Nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số: Thách thức ở Việt Nam với sự tham gia của 4 khách mời là đại diện các chuyên gia, doanh nghiệp và nhà trường.
Chủ đề này được 4 vị khách mời tham dự chương trình bàn tròn trực tuyến cùng mổ xẻ, phân tích, bắt đầu từ 10h sáng nay, 23/5. Chương trình do báo Vietnamnet phối hợp với báo Thế giới và Việt Nam thực hiện, đồng thời được live stream qua fanpage Vietnamnet.vn.
Theo dõi toàn bộ bàn tròn trực tuyến tại video sau:
Bốn vị khách mời gồm:
- Ông Vũ Khoan, Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ.
- TS Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học và lao động xã hội, Bộ LĐTB&XH
- PGS. TS. Huỳnh Quyết Thắng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
- Ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch Công ty Phần mềm FPT (FPT Sofware)
Cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ mang đến sự thay đổi lớn lao về phương thức sản xuất kinh doanh mà kéo theo, các vấn đề về lao động- việc làm ở thế kỷ 21 cũng sẽ có biến chuyển mạnh mẽ.
Từ phải qua: TS Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học và lao động xã hội, BộLĐTB&XH, Ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch Công ty Phần mềm FPT (FPTSofware), Ông Vũ Khoan, Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ. PGS. TS. Huỳnh QuyếtThắng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Nhà báo Phạm Huyền |
Theo thống kê của Bộ Lao động và thương binh xã hội, đối với Việt Nam, dự báo trong những năm tới (2017 - 2025), lực lượng lao động Việt Nam tăng bình quân hằng năm 1,28%, tương ứng 723.000 người/năm. Quy mô lực lượng lao động tăng từ 55,54 triệu người năm 2016 lên 62 triệu người năm 2025.
Nhưng tính tới năm 2016, trong tổng số 55,54 triệu lao động của cả nước, chỉ có hơn 11,21 triệu lao động qua đào tạo có bằng cấp/chứng chỉ, chiếm 20,6%. Đáng lưu ý là, lao động được đào tạo trong các ngành kỹ thuật, công nghệ cao còn chiếm tỷ trọng thấp.
Việt Nam đang thiếu hụt lao động có trình độ kỹ thuật cao, công nhân lành nghề, đặc biệt là cho các ngành trọng điểm như cơ khí, điện tử, kỹ thuật điện, cũng như nhân lực trình độ cao làm việc trong các ngành, các lĩnh vực có tác động mạnh tới tốc độ tăng trưởng cao và bền vững trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Đây sẽ là bài toàn lớn cho không chỉ riêng ngành giáo dục đào tạo mà còn cho các nhà hoạch định chính sách vĩ mô về lao động, con người.
VietNamNet