- Trực thăng không phù hợp trong chữa cháy nhà cao tầng, theo Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội, vì khói và sức nóng bốc lên có thể làm rơi máy bay.

Trước lo lắng của HĐND về tình hình cháy nổ, lãnh đạo lực lượng phòng cháy chữa cháy Hà Nội thừa nhận xử lý vi phạm là khó khăn.

Phó Giám đốc Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) Hà Nội, ông Nguyễn Văn Sơn, băn khoăn: Không biết đây có phải vấn đề phải nóng thực sự không, hay nhận thức của nhân dân và ĐB đã tăng lên, mà quan tâm đến mức lần đầu tiên lực lượng của ông được tham gia trả lời chất vấn tại HĐND.

{keywords}

Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội Nguyễn Văn Sơn. Ảnh: Phạm Hải

Với lo ngại của các ĐB và cử tri sau vụ cháy cây xăng nghiêm trọng trên đường Trần Hưng Đạo mới đây, ông Sơn cho rằng số lượng cây xăng ở Hà Nội sẽ còn tăng lên hơn con số 180 hiện nay để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

"Qua kiểm tra, đã yêu cầu phá dỡ 8 cửa hàng, ngừng kinh doanh 2. 28 cửa hàng đã cải tạo theo yêu cầu, 24 chưa kiểm tra việc cải tạo", ông Nguyễn Văn Sơn cho biết.

"Nhiều cửa hàng đã xây dựng cách đây 30 năm, theo quy chuẩn cũ nên diện tích đều không đạt 300 m2 theo quy chuẩn mới".

Sau giải trình của lãnh đạo lực lượng cứu hỏa, các đại biểu HĐND Hà Nội tiếp tục đặt ra một loạt vấn đề: thực trạng các cơ sở kinh doanh xăng dầu đối phó với đoàn kiểm tra, công nghệ chữa cháy do xăng, chuẩn bị lực lượng tại chỗ...; nguy cơ cháy tại các khu dân cư đông đúc, làng nghề, chung cư cao tầng, xe thang của lực lượng có đủ cao, có thể mua trực thăng...

Ông Nguyễn Văn Sơn cho biết các cơ sở nguy hiểm về cháy nổ do ngành công an quản lý, kiểm tra thường xuyên.

"Nhưng xử lý vi phạm trong PCCC là hết sức khó khăn, ra quyết định phạt mà người ta không tuân thủ cũng chả có cái gì để giữ của người ta, không như vi phạm giao thông còn giữ bằng, giữ xe", lãnh đạo lực lượng cứu hỏa Hà Nội nói.

Còn ở các chung cư cao tầng, Phó Giám đốc Nguyễn Văn Sơn cho rằng PCCC quan trọng là trang thiết bị tại chỗ.

"Các công trình phải có hệ thống thoát hiểm gồm cầu thang bộ thoát nạn chịu lửa, cửa chống cháy và tự động đóng, đèn chiếu sáng, điều áp và được bảo trì thường xuyên, có hướng dẫn; bể nước, hệ thống báo cháy và chữa cháy tự động, van, vòi chữa cháy, bình chữa cháy cục bộ...", ông Sơn nói.

Xe thang của lực lượng cứu hỏa chỉ có mục đích đưa chiến sĩ và trang thiết bị lên cao nhanh, hoặc đưa người yếu, không thể di chuyển xuống, "không thể nhà cao bao nhiêu tầng thì xe thang cao từng ấy".

Trực thăng cũng không phù hợp trong chữa cháy nhà cao tầng, theo ông Nguyễn Văn Sơn, vì khói và sức nóng bốc lên có thể làm rơi máy bay. "Có chăng thì kết hợp trực thăng trong công tác cứu nạn cứu hộ", ông Sơn nói.

"Mua trực thăng cũng liên quan nhiều vấn đề như khoảng không, ai quản lý, đường dây điện cao thế, đào tạo phi công, bãi đỗ...", Phó Giám đốc Nguyễn Văn Sơn băn khoăn.

Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết: Hiện lực lượng cứu hỏa của thành phố có 1.599 cán bộ, chiến sĩ, trong đó 837 người trực tiếp làm nhiệm vụ chữa cháy, 64 xe chữa cháy, 13 xe thang từ 32-52m... thuộc 10 đội chữa cháy.

Từ nay đến 2015, lực lượng được HĐND TP đồng ý cho mua 600 tỷ đồng trang thiết bị.

Chung Hoàng