Khu vực ngã tư Dương Đình Nghệ – Phạm Văn Bạch (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy), hàng nghìn m2 đất dự án đang nằm chờ thi công nhiều năm bỗng chốc “biến” thành trạm rửa xe, bãi trông giữ, gara sửa chữa ô tô, quán nhậu hoạt động suốt ngày đêm...
Đất dự án đang được Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Thạch Dũng kinh doanh gara. Ảnh PV |
Dù 2015 đang là năm được Hà Nội chọn làm “năm trật tự và văn minh đô thị” song tại một số quận nội thành, “đô thị” vẫn đứng ngoài trật tự phát triển tổng thể của thành phố.
Tại lô đất D32, KĐT Cầu Giấy được phê duyệt để thực hiện Dự án Xây dựng Trung tâm Xuất bản – Phát hành sách giáo khoa do công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển nhà Constrexim làm chủ đầu tư.
Tuy nhiên tới nay dự án không được khởi công xây dựng mà thay vào đó là bãi trông giữ xe trái phép. Bãi trông giữ xe này đã hoạt động nhiều năm và gây bức xúc cho người dân nhưng đến nay, quy mô hoạt động ngày càng được mở rộng bất chấp đây là đất dự án theo quy hoạch của thành phố.
Lô đất D32 được quây kín tôn để... trông xe ô tô. Ảnh PV |
Xung quanh bãi trông giữ được rào kín tôn, phía trong dựng một số công trình tạm nhằm mục đích làm nơi sinh hoạt cho các nhân viên trông giữ xe. Khu đất này được quây kín, không có mái che và các thiết bị phòng cháy chữa cháy, có thể xảy ra cháy nổ bất cứ lúc nào.
Với một phép tính đơn giản, với mỗi ngày vài chục xe khách, xe du lịch được trông giữ, công thêm dịch vụ chăm sóc bảo dưỡng xe. Mỗi tháng, người chủ ở đây đã thu lợi hàng trăm triệu đồng. Hiện trạng cho thấy, số tiền không nhỏ thu lợi bất chính đã làm giàu cho một nhóm người, trong khi đó, nhiều người đang chờ đợi chủ đầu tư thực hiện dự án đem lại bộ mặt mới cho đô thị Hà Nội.
Hàng rào tôn quây quanh khu vực đất dự án bị "xé" để phục phụ kinh doanh. Ảnh PV |
Bên cạnh đó, các lô đất D28, lô D27 cũng xuất hiện sai phạm, lấn chiếm đấn dự án để kinh doanh cụ thể như trên lô D27 là bãi tập kết vật liệu xây dựng của Công ty Gốm và gạch xây cao cấp Hà Nội, cửa hàng vật liệu xây dựng Bình Tráng.
Trước tình trạng nhiều công trình xây tạm trên đất dự án có dấu hiệu sai phạm, phá vỡ quy hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, lực lượng liên ngành của quận Cầu Giấy và phường Yên Hòa đã thực hiện cưỡng chế, tháo dỡ các công trình sai phạm song không hiểu vì lí do gì, khi lực lượng chức năng rời đi, tình trạng tái vi phạm lại tiếp tục diễn ra, càng lộ liễu và trắng trợn hơn trước.
Bộ mặt tuyến phố đang bị làm cho "nhếch nhác" thế này. Ảnh PV |
Đơn cử, tháng 08/2015, lực lượng liên ngành của quận Cầu Giấy và phường Yên Hòa đã thực hiện cưỡng chế, tháo dỡ các công trình sai phạm tại các lô đất D29, D30, D31 nhưng đến nay các công trình này vẫn tồn tại và tiếp tục mở rộng quy mô làm mất mỹ quan đô thị.
Khách đến quán, tự do đỗ xe trên vỉa hè. Ảnh PV |
Hành vi ngoan cố, bất chấp quy định này của chủ các công trình không những khiến bộ mặt đô thị Hà Nội thêm “nhộm nhoạm”, mà còn cho thấy sự coi thường pháp luật. Khiến dư luận phải đặt ra câu hỏi liệu có một thế lực nào bảo kê để các doanh nghiệp và hộ kinh doanh này tiếp tục sai phạm?
Bên cạnh đó, là câu hỏi lớn về trách nhiệm, năng lực của chủ đầu tư và lực lượng thanh tra xây dựng phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy?
Theo Người đưa tin