Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ nhận định, Trục liên thông văn bản quốc gia được khai trương là bước chuẩn bị mạnh mẽ cho xây dựng Chính phủ điện tử; từ Trục liên thông văn bản quốc gia sẽ là Trục kết nối chia sẻ giữa các cơ quan nhà nước, tiếp đó là kết nối giữa cơ quan nhà nước với người dân và doanh nghiệp (Ảnh minh họa: Internet) |
Trong thư gửi các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam dự hội thảo “Đối thoại chuyển đổi số” mới đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã cho biết, năm 2019, bên cạnh các mục tiêu: vận hành Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (eCabinet); ra mắt Cổng dịch vụ công quốc gia được kết nối, liên thông với tất cả các cổng dịch vụ công của các bộ, địa phương để theo dõi tiến trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp, một mục tiêu mà Chính phủ chỉ đạo và Văn phòng Chính phủ đang hết sức nỗ lực thúc đẩy là hoàn thành Trục liên thông văn bản quốc gia, tiến tới là nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu số quốc gia.
Chia sẻ về tiến độ xây dựng Trục liên thông văn bản quốc gia, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính cho biết, Văn phòng Chính phủ quyết tâm vào ngày 11/3 tới sẽ mời Thủ tướng chính thức khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia giữa Văn phòng Chính phủ với tất cả các bộ, ngành, địa phương.
Theo quy định tại Quyết định 28 ngày 12/7/2018 của Chính phủ về gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước, trục liên thông văn bản quốc gia là giải pháp kỹ thuật, công nghệ được triển khai từ Văn phòng Chính phủ tới các bộ, ngành, địa phương để kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử.
Trong bối cảnh các phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc của các bộ, ngành, địa phương được triển khai trên nhiều nền tảng kỹ thuật công nghệ khác nhau, phát triển trên các hệ điều hành khác nhau, chưa được kết nối với nhau, việc xây dựng Trục liên thông văn bản quốc gia có chức năng kết nối, liên thông các phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc của các bộ, ngành, địa phương là hết sức cần thiết. Điều này sẽ giúp Chính phủ giảm đáng kể chi phí gửi, nhận văn bản giấy và thời gian gửi, nhận văn bản giữa các cơ quan nhà nước hàng năm, góp phần hỗ trợ thay đổi tác phong làm việc từ nền hành chính dựa trên văn bản giấy sang nền hành chính văn bản điện tử; đồng thời góp phần đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
Thông tin về tình hình triển khai Quyết định 28, theo đại diện Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, về căn cứ pháp lý, ngày 24/1/2019, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư 01/2019/TT-BNV quy định quy trình trao đổi, lưu trữ, xử lý tài liệu điện tử trong công tác văn thư, các chức năng cơ bản của Hệ thống quản lý tài liệu điện tử trong quá trình xử lý công việc của các cơ quan, tổ chức và Thông tư số 02/2019/TT-BNV quy định tiêu chuẩn dữ liệu thông tin đầu vào, yêu cầu bảo quản tài liệu lưu trữ điện tử theo Quyết định 28/2018 của Thủ tướng Chính phủ.
Về hạ tầng kỹ thuật, cài đặt Trục liên thông văn bản quốc gia, cập nhật phần mềm phục vụ kết nối, gửi, nhận văn bản điện tử, VNPT đã bố trí các máy chủ, cài đặt Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ chuyển đổi kết nối, liên thông với các phần mềm quản lý văn bản của các bộ, ngành, địa phương tại Trung tâm dữ liệu Nam Thăng Long.
Các bộ, ngành, địa phương đã tích cực phối hợp với các đơn vị thuộc Văn phòng Chính phủ (Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính, Vụ Hành chính, Trung tâm tin học), Bộ TT&TT (Cục Bưu điện Trung ương), Ban Cơ yếu Chính phủ (Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin) và Tập đoàn VNPT để thực hiện kết nối gửi, nhận văn bản với Văn phòng Chính phủ.
Tại Văn phòng Chính phủ, đến giữa tháng 2/2019, hệ thống phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc theo Quyết định 28 cũng đã được hoàn thiện; trình Bộ trưởng Chủ nhiệm ban hành quy định mã định danh của các vụ, cục, đơn vị phục vụ gửi nhận văn bản điện tử; phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ cung cấp đầy đủ, kịp thời chứng thư số cho các đơn vị, cán bộ, công chức thực hiện gửi nhận văn bản điện tử.
Theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử Chính phủ, tại cuộc họp ngày 21/2 để đôn đốc triển khai Quyết định 28 của Thủ tướng Chính phủ về gửi nhận văn bản điện tử của các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước, đại diện 16 bộ, ngành, địa phương (8 Bộ, ngành và 8 địa phương) trước ngày 20/2 chưa hoàn thành kết nối với Trục liên thông văn bản quốc gia đều cam kết trước thời điểm ngày 11/3 sẽ kết nối liên thông gửi nhận văn bản điện tử, sẵn sàng cho việc chính thức khai trương.
Liên quan đến nhiệm vụ xây dựng Trục liên thông văn bản quốc gia được Chính phủ giao Văn phòng Chính phủ chủ trì triển khai, hồi tháng 6/2018, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã ký quyết định phê duyệt chủ trương thuê dịch vụ CNTT đối với dự án “Xây dựng trục liên thông văn bản quốc gia”.
Tại thời điểm đó, báo cáo của Văn phòng Chính phủ về thuê dịch vụ CNTT đối với dự án “Xây dựng trục liên thông văn bản quốc gia” nêu rõ, mục tiêu thuê dịch vụ CNTT đối với dự án này là nhằm xây dựng hệ thống điện tử thông suốt, kết nối và liên thông văn bản điện tử, dữ liệu điện tử từ Chính phủ đến bộ, ngành, địa phương; tạo lập môi trường điện tử để người dân giám sát và đóng góp cho hoạt động của chính quyền các cấp; đồng thời thúc đẩy và nâng cao vị trí của Việt Nam về Chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên hợp quốc.
Được biết, trong năm 2018, VNPT đã phát triển thành công giải pháp Trục liên thông văn bản quốc gia, sử dụng công nghệ X-Road.