Việc sử dụng rau quả, thịt cá để trong tủ lạnh lâu ngày rất dễ gây lên tình trạng ngộ độc thực phẩm, gây hại tới các bộ phận nội tạng trên cơ thể.

Mỗi dịp Tết về, nhiều chị em nội trợ thường mua sắm các loại thực phẩm như thịt, cá, rau củ quả dự trữ trong tủ lạnh. Bởi, đó là cách chủ động có thể lựa chọn được các loại thực phẩm có chất lượng tốt mà giá cả phải chăng.

Tuy nhiên, việc dự trữ thực phẩm quá lâu trong tủ lạnh có những tác hại nào; làm sao để bảo quản thực phẩm tươi ngon mà không ảnh hưởng đến chất lượng; khi sử dụng thực phẩm cần lưu ý gì, thì rất ít chị em biết.

Tiến sĩ Lâm Văn Mân, trưởng phòng Nghiên cứu phát triển và Chuyển giao công nghệ – Viện An toàn thực phẩm sẽ giúp chị em nội trợ giải đáp những câu hỏi liên quan tới việc dự trữ thực phẩm trong ngày Tết.

Tác hại khôn lường

Việc sử dụng thực phẩm để trong tủ lạnh lâu ngày rất dễ gây lên tình trạng ngộ độc. Tiến sĩ Lâm Văn Mân cho hay, dù ở trong môi trường nhiệt độ thấp, rất nhiều vi khuẩn vẫn có thể xâm nhập vào đồ ăn. Khi chúng ta ăn, vi khuẩn sẽ đi vào cơ thể bằng đường ruột. Do vậy, có nhiều trường hợp ăn đồ để tủ lạnh lâu ngày sẽ bị ngộ độc thực phẩm, đau bụng, đi ngoài, tiêu chảy cấp,…

Tiến sĩ Lâm Văn Mân cho biết thêm, thực phẩm để trong tủ lạnh có khả năng mất chất dinh dưỡng. Thậm chí, khi chế biến đồ ăn sẽ giảm chất lượng, không còn giữ hương vị tươi ngon. Khi đưa các thực phẩm vào sử dụng, yếu tố gây hại sẽ làm suy giảm chức năng của các cơ quan nội tạng trong cơ thể như dạ dày, đại tràng, gan, ruột,…

Cách bảo quản thực phẩm

Những ngày Tết, thông thường chị em nội trợ thường mua thịt cá, rau củ quả để dự trữ trong tủ lạnh. Nhưng, cách bảo quản chúng tại gia đình không phải điều đơn giản.

- Đối với rau củ quả

“Một số loại rau quả sau khi mua nên cho ngay vào tủ lạnh để giữ độ tươi ngon, kéo dài thời gian sử dụng và giảm hư hỏng xuống mức thấp nhất. Các loại rau quả như táo, lê, cải bắp, cà rốt, súp lơ, măng tây,… nên bảo quản lạnh trong thời gian trên 1 tuần; Những loại quả chỉ được giữ và sử dụng trong vòng 1 tuần là nho, dâu tây, rau ăn lá, hành hoa, rau thơm, nấm,... Đặc biệt, một số quả như lê, đào,... nên để chín hẳn rồi cho vào tủ lạnh”, tiến sĩ Mân khuyến cáo.

Bên cạnh đó, có một số loại rau quả chỉ nên giữ ở nhiệt đồ thường, vì nếu giữ chúng trong tủ lạnh sẽ nhanh chóng bị hư hỏng hoặc cản trở quá trình chín tiếp của quả như chuối, cam, bưởi, dưa hấu, xoài, hành, tỏi, gừng, khoai lang, bí đỏ, cà chua... Ví dụ, nếu bảo quản khoai lang trong tủ lạnh chúng sẽ bị giảm hương vị và sượng; chuối tiêu sẽ xuất hiện các vết thâm trên vỏ quả và không tiếp tục chín,…

- Đối với cá thịt

Theo tiến sĩ Mân, thịt cá là môi trường thuận lợi cho sự phát triển của vi sinh vật. Vì vậy, việc bảo quản thịt, cá đúng cách rất quan trọng.

“Các loại thịt nói chung, chỉ giữ được tối qua 3 ngày ở ngăn mát; cá tối đa 2 ngày phải sử dụng. Tuyệt đối, không nên giữ trong lạnh quá thời gian trên vì vi sinh vật phát triển gây hỏng thực phẩm và có nguy cơ gây ngộ độc. Cụ thể:

- Thịt gia cầm như gà, ngan,… chỉ nên giữ ở ngăn lạnh từ 1-2 ngày;

- Thịt lợn, thịt bò giữ trong ngăn lạnh tối đa 2 ngày;

- Cá tươi đã mổ ruột và làm sạch có thể giữ ở ngăn lạnh được 1 ngày;

- Với các thịt đã nấu chín giữ trong ngăn lạnh tầm 4 ngày mà không làm giảm chất lượng thực phẩm”, tiến sĩ chỉ rõ.

{keywords}
Thịt, cá là môi trường thuận lợi cho sự phát triển của vi sinh vật (ảnh minh họa)

Nếu muỗn giữ thịt cá được lâu, phải giữ trong ngăn đá (nhiệt độ tốt nhất là âm 18 độ), thời gian giữ tối đa kéo dài đến 1 năm tùy vào thực phẩm:

- Với gia cầm như gà, ngan cắt miếng có thể bảo quản trong ngăm đá lên đến 9 tháng. Bảo quản nguyên con thì được 1 năm.

- Thịt bò, thịt lợn, cá chỉ nên giữ trong vòng 4-6 tháng;

Lưu ý khi sử dụng thực phẩm trong tủ lạnh

Để không làm giảm giá trị dinh dưỡng của rau quả, thịt cá khi được bảo quản trong tủ lạnh, chị em nội trợ cần chú ý tới việc lấy đủ lượng thực phẩm cần dùng ra khỏi tủ lạnh. Những thực phẩm đã lấy ra nếu không sử dụng hết thì cũng không nên đưa vào bảo quản tiếp.

“Thực phẩm được bảo quản ở ngăn đá, cần phải rã đông đúng cách để không làm mất giá trị dinh dưỡng. Tốt nhất, chuyển thực phẩm từ ngăn đá sang ngăn mát trước khi sử dụng khoảng 12 tiếng hoặc dùng lo vi sóng có chức năng rã đông để rã đông thực phẩm trước khi dùng”, tiến sĩ Lâm Văn Mân đưa ra lời khuyên.

{keywords}
Những thực phẩm đã lấy ra nếu không sử dụng hết, không nên đưa vào bảo quản tiếp (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, tiến sĩ còn chỉ ra những cách cụ thể trong việc sơ chế, sử dụng thực phẩm:

Sử dụng rau quả an toàn:

- Trước khi đưa rau quả vào bảo quản, nên bỏ các phầm già, dập nát hay có dấu hiệu hư hỏng;

- Không giữ rau quả chung với thịt cá để tránh lây nhiễm chéo;

- Rau quả phải được đựng trong các túi PE, tốt nhất là các túi PE có đục lỗ;

- Không bảo quản chung rau và quả vì quả sản sinh ra nhiều ethylen là nguyên nhân làm rau bị vàng hoá và nhanh chóng bị hỏng;

- Chỉ nên rửa rau quả trước khi sử dụng hay chế biến;

- Khi rửa rau quả nên rửa dưới vòi nước chảy, ngâm rau quả trong nước làm tăng nguy cơ lây nhiễm chéo.

Chế biến cá, thịt:

- Trước khi sơ chế phải rửa tay bằng xà phòng 2 đến 3 lần;

- Sử dụng dao thớt khô sạch;

- Không sử dụng chung dao thớt cho các loại thịt khác nhau, khi sơ chế xong một loại thịt phải rửa dao, thớt thật sạch để khô rồi mới dùng để sơ chế loại thịt khác;

- Cắt thịt, cá ra thành các miếng đủ dùng cho 1 lần;

- Sử dụng màng bọc plastic để bọc thịt riêng thành từng miếng. Sau đó mới cho vào túi nilon sạch rồi dùng tay ép không hết khí trong túi ra ngoài, buộc kín túi và cho vào ngăn đá.

(Theo Khampha.vn)