Kể từ năm 2019, số lượng nhân viên Tesla đã tăng gấp đôi, lên gần 100.000 người. Đầu tháng này, Musk ra quyết định đóng băng tuyển dụng và lên kế hoạch sa thải nhân viên, gồm cả lao động trả lương và làm theo giờ do có “linh cảm xấu về nền kinh tế”.
Trước đó, tỷ phú 50 tuổi đã gửi mail cho toàn thể công ty, yêu cầu tất cả nhân viên phải xuất hiện trên văn phòng tối thiểu 40 giờ/tuần, nếu không sẽ được coi là đã viết đơn nghỉ việc.
Các nhân viên được trả lương chiếm khoảng 1/3 tổng số lao động của công ty. Trong thời gian đại dịch xảy ra, hầu hết các nhân viên làm việc trong khuôn viên Fremont của Tesla, nơi gồm một nhà xưởng và các toà nhà văn phòng, đều làm việc từ xa.
Khi tất cả đồng loạt đi làm trở lại đã dẫn đến tình trạng trang thiết bị vật chất của công ty không thể đáp ứng. Các nhân viên than phiền về việc không thể tìm được chỗ đỗ xe tại nhà máy ở Fremont, nhiều người phải gửi xe ở các trạm giao thông gần đó và sử dụng phương tiện giao thông công cộng đến công ty.
Bên trong trụ sở, tình hình cũng không khá hơn. Tờ The Information cho biết, một số nhân viên thậm chí còn không có bàn ngồi làm việc. Nguyên nhân do Tesla đã thay đổi một số khu vực nhất định của văn phòng trong thời kỳ đại dịch và không tính đến trường hợp mọi người đồng loạt trở lại.
Tình trạng thiếu bàn làm việc nghiêm trọng đến mức các quản lý đã yêu cầu các nhân viên hãy làm việc ở nhà. Và với những người “may mắn” có được chỗ ngồi, họ cũng không thể làm việc do tín hiệu mạng wi-fi quá yếu.
Elon Musk nổi tiếng đòi hỏi cao ở nhân viên và sẵn sàng thực hiện các biện pháp “bàn tay sắt”. Vài tuần trước, SpaceX, một công ty khác của Musk đã sa thải các nhân viên viết thư chỉ trích cá nhân CEO này.
Hiện thương vụ mua lại Twitter của Musk cũng chưa có hồi kết do những tranh cãi xung quanh số lượng tài khoản ảo đang hoạt động trên nền tảng. Tại cuộc tiếp xúc với nhân viên Twitter, người giàu nhất hành tinh nói “chỉ cho phép những nhân viên xuất sắc được làm việc từ xa”.
Vinh Ngô