Chính thức về nghỉ hưu mới được một tuần lễ, ông Nguyễn Công Tuấn (Gia Lâm, Hà Nội) cảm thấy trống trải và hụt hẫng – một cảm giác rất khó tả mà chính ông cũng không thể cắt nghĩa. Tâm trạng của ông Tuấn dường như cũng là trạng thái tâm lý chung của nhiều người cao tuổi (NCT) khi chuẩn bị bước vào cuộc sống hưu trí…
Chuẩn bị tâm lý khi về hưu
Mặc dù đã chuẩn bị sẵn tâm lý cho ngày nghỉ hưu cả năm nay, nhưng ông Tuấn cho biết: “Tôi vốn là người ưa hoạt động, ở cơ quan cũng là người hay nói, hay làm. Nên khi về hưu, dù đã chuẩn bị vài công việc “lặt vặt” để làm cho khuây khỏa nhưng dường như vẫn chưa quen được cảm giác về hưu”.
Cũng vẫn dậy sớm từ 5h sáng tập thể dục theo thói quen, sau đó về nhà tắm rửa và ăn sáng, nhưng 7h sáng, thay vì mặc quần áo và dắt xe đi làm thì ông Tuấn lại ngồi vào bàn và bắt đầu làm những công việc “thêm nếm” vốn được “vẽ ra” để chuẩn bị cho cái sự nghỉ hưu.
Vợ ông Tuấn mất từ khi các con ông đang học đại học, ông ở vậy nuôi con khôn lớn rồi thành tài. Giờ các con ông đều đã có gia đình và ra ở riêng, chỉ có mình ông bám trụ lại cái thành phố này lấy công việc làm vui. Nhưng khi nghỉ hưu, không muốn đến sống cùng các con nên ông trở thành người neo đơn dù sức khỏe vẫn còn để có thể tham gia lao động.
“Cái tôi thiếu hụt nhất lúc này là cảm giác cô đơn. Vật chất không thiếu, nhưng tình cảm thì không trọn vẹn. Công việc đang làm, mối quan hệ với đồng nghiệp đang tốt nhưng nay về hưu tự bước vào lớp tuổi già khiến tôi cảm thấy thừa thãi, thiếu tự tin. Dù quanh khu phố cũng có những người bạn già cùng trang lứa, nhưng khác biệt về trình độ khiến những câu chuyện không kéo dài được lâu sau vài lời thăm hỏi xã giao”, ông Tuấn chia sẻ.
Theo TS Tâm lý học Trịnh Thanh Hương, chuẩn bị tâm lý bước vào tuổi hưu là công việc không hề dễ dàng với nhiều người. Bởi, khi còn công tác họ năng nổ bao nhiêu thì về già họ cảm thấy chống chếnh bấy nhiêu. Ở cơ quan, có người thét ra lửa hoặc chỉ huy hàng trăm lao động, anh em dưới quyền nhưng nay về hưu lấy chó gà làm bạn, chim chóc làm vui và “chỉ huy” chính bản thân mình cũng là việc… khó khăn với họ.
Chính vì vậy, hiện tượng nhiều người bị stress khi bước vào tuổi hưu không hiếm.
Không dễ dàng hòa nhập?
Cùng chung cảnh ngộ với ông Tuấn, ông Đặng Xuân Hòa, một cán bộ hưu trí ngành ngoại giao sống tại Xuân Phương, Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho biết: Khi còn công tác, ông có mua mảnh đất về khu này dựng căn nhà để hai vợ chồng về hưu dưỡng già. Khi mua khu đất xung quanh còn khá thưa thớt cư dân, người lao động nghèo là chủ yếu nên cuộc sống theo kiểu “êm đềm chướng rủ màn che”.
Thế nên nay về hưu, khu đất ông mua giờ lên phố. Dân tứ xứ đổ về, hàng quán tấp nập nhưng những người cùng trang lứa khá hiếm. Nếu có người cùng độ tuổi thì cũng khó nói chuyện bởi, người thì vẫn còn phải chật vật mưu sinh, người thì an nhàn hơn nhưng bệnh tật đeo bám nằm viện nhiều hơn nằm nhà, hoặc có người nói được với nhau câu trước thì câu sau đã phải đứng dậy do cứ mở miệng ra là bất mãn chế độ.
“Trốn cái ngột ngạt của nội thành chuyển xuống đây sống đã chục năm mà giờ về hưu lại cảm giác lạc lõng trong chính khu nhà mình đang ở. Các con thì đều ra nước ngoài định cư do công tác cùng ngành ngoại giao với bố. Thế là hai vợ chồng tôi chỉ biết trò chuyện cùng con qua chiếc smartphone, nói chuyện với các cháu qua màn hình vi tính mà thấy tủi hờn ghê gớm. Du lịch thì cũng chỉ dăm bữa nửa tháng phải về, thế là hết lên sân thượng chăm cây lại xuống dưới đường tập thể dục rồi về nhà ăn, ngủ. Cuộc sống chậm chạp càng thêm nặng nề…”, ông Hòa tâm sự.
Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội, mỗi năm nước ta có khoảng hơn 400.000 người bước vào độ tuổi nghỉ hưu. Nhưng số người thực sự được bước vào giai đoạn hưu trí không nhiều, đa phần vẫn còn phải vật lộn mưu sinh hoặc chăm sóc gia đình (trông cháu, làm thêm phụ giúp các con…). Trong khi đó, các câu lạc bộ hưu trí hay các sân chơi cho người cao tuổi vừa thiếu, vừa chưa phù hợp khiến nhiều người bước vào tuổi hưu trí cảm thấy bản thân bị thừa thãi, bỏ rơi hay thậm chí khủng hoảng tâm lý.