Ông Nhậm Chính Phi |
Theo thông báo nội bộ được gửi từ ông Nhậm, Huawei đang trong khoảnh khắc “sống hoặc chết”. Từ tháng 5/2019, Huawei lâm vào tình thế không dễ dàng khi có tên trong sổ đen của Mỹ, cấm giao dịch với các đối tác nước này. Bất chấp đang được cấp giấy phép mua bán tạm thời, sự bất ổn vẫn bao quanh Huawei.
Tổn thất lớn nhất của công ty nằm ở thị trường smartphone quốc tế. Thống kê của Huawei ước tính họ bán được ít hơn 60 triệu điện thoại so với khi không bị cấm vận. Năm 2018, lượng smartphone xuất xưởng tăng 34% đạt 206 triệu máy, trong quý đầu năm 2019 thậm chí còn tăng 50% trong khi đối thủ Samsung, Apple đều chứng kiến doanh số giảm. Sang quý II, do ảnh hưởng từ lệnh cấm từ Mỹ, tăng trưởng Huawei giảm còn 8,3%.
Huawei đã xâm nhập thành công thị trường châu Âu, đang trên đà trở thành nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, mất đi Android – bộ não bên trong thiết bị - cũng như hệ sinh thái Play Store sẽ là đòn chí mạng đối với điện thoại Huawei tại nước ngoài.
Ông Nhậm cảnh báo trong thư rằng những nhân viên dư thừa cần tìm cách để làm cho mình trở nên hữu ích hơn. Họ có thể thành lập một nhóm khai phá dự án mới và được thăng chức nếu làm tốt. Hoặc, họ có thể tìm một vị trí khác trong công ty. Nếu thất bại, lương của họ bị giảm dần mỗi ba tháng và cuối cùng là mất việc.
Sau khi bị Mỹ cấm vận, công ty chuyển sang chế độ làm việc 24 tiếng/ngày, khoảng 10.000 lập trình viên làm việc ba ca tại ba văn phòng để phát triển phương án thay thế cho sản phẩm của Mỹ. Huawei vừa giới thiệu hệ điều hành Harmony tháng này để chứng minh họ có thể viết hệ điều hành riêng. Song, nó chưa thuyết phục mọi người rằng có đủ khả năng đạt đến trình độ Android.
Bên cạnh đó, Huawei còn phải đối mặt với vấn đề chảy máu chất xám khi uy tín bị ảnh hưởng và công việc quá tải. Công ty đã phải thu gọn lực lượng lao động trước các điều kiện mới. Ông Nhậm viết rằng ưu tiên của hãng là dành cho các nhân viên xứng đáng và phải thăng chức cho cá nhân xuất chúng càng sớm càng tốt, thay máu cho tổ chức.
Giải thích về giấy phép gia hạn cho Huawei, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross cho biết một số hãng viễn thông Mỹ vẫn phụ thuộc vào công nghệ Huawei và cần thời gian để rũ bỏ. Vì vậy, dù Washington tạm nới lỏng cho công ty, tình hình vẫn vô cùng bấp bênh đúng như ông Nhậm cảnh báo.