Phấn đấu theo chức vụ thì hạn chế kiểu “ghế” ít người nhiều, cơ cấu tiền lương theo kiểu cào bằng như hiện nay khiến những công chức thiếu động lực phấn đấu.
Chuyện lương công chức, ít lâu lại được xới xáo đả động. Tỷ như gần đây nói đến cải cách hành chính, không ít ý kiến gợi ý quay sang học Singapore, trả lương cao cho công chức để họ hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Ấy nhưng, cứ thử xem, bàn về làm giàu, người ta thường liên tưởng đến các doanh nhân, tư thương hoặc chí ít là bộ phận người trực tiếp liên quan đến lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ. Bởi “phi thương bất phú” - các cụ nói cấm sai bao giờ.
Còn khi nói đến cán bộ, công chức, viên chức người ta liên tưởng ngay đến bộ phận dân số có thu nhập trung bình thấp ở mức ổn định, và xã hội quy định cho họ nghĩa vụ phải nghèo “ổn định” hiển nhiên như mặt trời mọc đằng Đông. Hễ thấy anh công chức nào có điều kiện một chút thì thiên hạ tha hồ xì xào, nhất định phải gắn cho họ một tí tiêu cực mới cam. Thành ra, vàng thau lẫn lộn, và đại đa số công chức vẫn nghèo hoàn nghèo mà chẳng dám kêu, vì thiên hạ còn ối người vất vả nộp thuế nuôi công chức.
Ảnh minh họa |
Chính Các Mác, cha đẻ của chủ nghĩa duy vật biện chứng cũng chỉ ra bốn yếu tố sẽ tồn tại với xã hội loài người, một trong số đó là nhu cầu ngày càng tăng. Nếu công chức là cỗ máy, thì chắc hẳn họ sẽ hài lòng với danh phận xã hội dành cho mình. Nhưng khổ nỗi công chức lại là người, cũng có vợ, chồng, con, gia đình, bố mẹ, cùng với những nhu cầu từ thiết yếu đến cao cấp trong xã hội, nhưng bị xã hội bó buộc với thân phận thu nhập nhất định phải ở mức trung bình.
Trong khi cơ cấu tiền lương theo ý nghĩa đầy đủ cần đảm bảo người lao động nuôi sống bản thân, gia đình và tái sản xuất sức lao động, thì công chức tự nuôi mình còn khó trong thời buổi giá cả cái gì cũng tăng chỉ lương là ì ạch.
Phấn đấu theo chức vụ thì hạn chế kiểu “ghế” ít người nhiều, cơ cấu tiền lương theo kiểu cào bằng như hiện nay khiến những công chức thiếu động lực phấn đấu. Có người lúc mới vào cơ quan thì ra sức làm việc, thời gian công sức không tiếc gì cả, chỉ mong muốn học hỏi, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đến khi chứng minh được năng lực, tìm được cho mình một chỗ đứng trong tập thể, thì bỗng nhiên sự phấn đấu dừng lại, không còn động lực nữa.
Hỏi vì sao? Thì được biết giờ mình cũng ổn nhưng nhìn lên lãnh đạo toàn người trẻ, muốn lên xin mời xếp hàng, trên mình còn có nhiều anh nữa lớn tuổi hơn, giỏi hơn mà vẫn làm cán bộ, có phấn đấu nữa chắc cũng chưa đến lượt.
Vậy nếu không phấn đấu theo chức vụ, hoặc chưa đủ điều kiện phấn đấu chức vụ thì công chức phấn đấu vì điều gì?
Thu nhập chính là động lực thúc đẩy công chức và làm giàu cho xã hội, cải thiện cơ chế hành chính ì ạch. Chính mức lương trung bình thấp khiến bộ máy hành chính nhà nước ngày càng phình ra, kém hiệu quả và làm cho công chức thiếu động lực phấn đấu, chây ì hoặc “chân ngoài dài hơn chân trong”. Chưa kể bản thân một bộ phận thực hiện quyền lực công sẽ lạm dụng để tăng thu nhập bản thân.
Thế mới có chuyện ở Việt Nam ai cũng có lương nhưng không ai sống được bằng lương; không ai sống được bằng lương nhưng ai cũng sống tốt. Thế nên có những người xin làm công chức để lấy chỗ ngồi làm việc khác, có người bằng lòng với cuộc sống nghèo trung bình.
Điều gì xảy ra nếu công chức chỉ nhận mức lương trung bình và được hưởng thêm thu nhập từ chính hiệu quả công việc của mình? Anh công an hãy cố làm giảm tỷ lệ tội phạm; Anh quản lý thị trường đừng để hàng giả hàng rởm tràn lan; Anh vệ sinh thực phẩm hãy loại bỏ thức ăn bẩn trên các sạp chợ; các anh chị làm thủ tục hành chính cố giảm thiểu số lượng hồ sơ tồn đọng… Như vậy xã hội sẽ an toàn hơn, doanh nghiệp làm ăn chính đáng sẽ được lợi, bữa cơm gia đình sẽ sạch hơn, sức khỏe cộng đồng sẽ tốt hơn.
Nếu làm được như vậy thì “30% công chức sáng cắp ô đi chiều cắp ô về” chắc sẽ giảm đi nhiều chăng?
Phạm Hải Chung