Hướng đi mới phát triển dược liệu
Anh Hoàng Chàn Vảng (trú tại Phan Thanh, Nguyên Bình, Cao Bằng) chở bốn bao củ cát cánh, đương quy gia đình vừa thu hoạch mang tới Hợp tác xã (HTX) Dược liệu và Du lịch Nguyên Bình bán.
Tròn 1 năm trước, anh Vảng trồng thử 100m2 dược liệu trên đất sản xuất của gia đình, nay thu hoạch được hơn 1 tạ củ. Với giá 25 nghìn đồng/kg, anh Vảng thu được khoảng 3 triệu đồng, theo anh là thu nhập cao hơn trồng ngô, sắn. Năm tới, anh Vảng muốn mở rộng thêm diện tích trồng dược liệu.
Anh Phùng Sảnh Khuân (Nguyên Bình, Cao Bằng) cũng trồng 200m2 cát cánh. Ngày thu hoạch, anh bán được hơn 2 tạ củ. Trước đây khu vườn dưới tán rừng trúc gia đình anh chỉ trồng sắn, ngô. Giờ trồng them dược liệu, anh Khuân nhận thấy có giá trị kinh tế cao hơn.
Trong quá trình trồng, anh Khuân được hỗ trợ hạt giống, nilon. Hàng tuần, cán bộ của hợp tác xã đến tận vườn trồng theo dõi và hướng dẫn kỹ thuật để cây cho củ tốt nhất.
Theo ông Nguyễn Văn Đức - Phó Giám đốc công ty cổ phần Dược liệu Nguyên Bình, hiện nay công ty đã cùng 34 hộ dân và HTX trồng thử nghiệm được 3ha cát cánh, 3ha đương quy, 3ha khôi nhung và 5,8ha quế.
Đến thời điểm tháng 1/2024 bắt đầu cho thu hoạch đương quy và cát cánh, dự kiến sản lượng đạt 8-12 tấn tươi/ha. Doanh thu trung bình 250 triệu/ha.
Dược liệu Nguyên Bình cũng đưa người dân đến vùng dược liệu huyện Bắc Hà (Lào Cai) để tham quan, học hỏi thêm kinh nghiệm và được tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch dược liệu, có 4 HTX và 1 trung tâm được kết nối vào liên kết chuỗi của công ty hình thành trọn vẹn chuỗi liên kết giá trị dược liệu từ nông dân - HTX - doanh nghiệp để hoàn hiện chuỗi nuôi trồng - chăm sóc - thu hoạch - tiêu thụ dược liệu.
Thêm nguồn sinh kế góp phần giảm nghèo bền vững
Mới triển khai tại huyện Nguyên Bình, phía công ty Nguyên Bình cũng như các hộ dân còn gặp nhiều khó khăn nhưng với khát vọng cùng nỗ lực của người dân, đến nay, theo đánh giá của công ty Nguyên Bình, dược liệu thu được có chất lượng khả quan, củ to, ít sâu bện, hình thái củ đẹp, hàm lượng dược tính cao có thể đáp ứng đơn hàng xuất khẩu của Công ty.
Để phát triển vùng dược liệu bền vững, đưa Nguyên Bình có tên trong “bản đồ” dược trong nước, Phó Giám đốc công ty cổ phần Dược liệu Nguyên Bình cho biết, công ty luôn đảm bảo bao tiêu sản phẩm đầu ra cho ngươi dân. Thực tế, so năng suất trồng ngô, sản lượng dược liệu như cát cánh, đương quy mang lại đạt ít nhất gấp 2-3 lần. Trong thời gian tới, công ty Nguyên Bình mong muốn mở rộng hơn nữa diện tích trồng dược liệu này, không chỉ gói gọn trong xã Phan Thanh còn ở nhiều xã khác trong huyện Nguyên Bình. Điều này đã mở ra một hướng đi tốt cho người dân tại Nguyên Bình khi việc mở rộng vùng trồng của công ty được thực hiện.
Theo ông Mã Văn Vịnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, trên địa bàn huyện đang triển khai trồng thử nghiệm dược liệu như cây cát cánh, đương quy, quế.
Ông Vịnh cho biết, theo quyết định 1719 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, huyện Nguyên Bình đã được tỉnh Cao Bằng chọn là vùng dược liệu của tỉnh. Vì vậy, phát triển cây dược liệu là chương trình kinh tế trọng tâm của huyện, định hướng phát triển cây dược liệu dưới tán rừng.
Hiện, huyện phối hợp với Viện Dược liệu quốc gia đã khảo sát khảo sát 1347ha diện tích rừng trồng trên từng xã. Thực hiện chương trình này, các doanh nghiệp thực hiện dự án được vay vốn của ngân hàng Chính sách xã hội với vốn ưu đãi. Huyện sẽ hỗ trợ tạo chuỗi liên kết người dân trồng, thu mua và sơ chế dược liệu để phát triển kinh tế.
Bích Đào