Lợi dụng, chống phá việc góp ý văn kiện Đại hội Đảng
Tại Hội nghị Trung ương 14 (diễn ra tháng 12/2020) vừa qua, Ban Chấp hành TW Đảng đã thảo luận và thông qua lần cuối dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng. Dự thảo văn kiện gồm Báo cáo chính trị, Báo cáo về kinh tế-xã hội và báo cáo về xây dựng Đảng, trong đó Báo cáo chính trị là báo cáo trung tâm. Văn kiện và nhân sự là hai nội dung quan trọng nhất trong mỗi kỳ đại hội.
Dự thảo văn kiện Đại hội XIII được hình thành qua một quá trình chuẩn bị công phu với rất nhiều bước, nhiều công việc. Bản dự thảo đưa ra lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân và các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể, người Việt Nam ở nước ngoài là bản thảo thứ 22.
Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 14, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ:
Ngay sau Hội nghị Trung ương 13 của Đảng (tháng 10/2020), Bộ Chính trị đã chỉ đạo các Tiểu ban và các cơ quan có liên quan khẩn trương, nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Trung ương để tiếp tục hoàn thiện thêm một bước dự thảo các văn kiện, gửi xin ý kiến Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng vào ngày 20/10/2020 để xin ý kiến rộng rãi của toàn dân.
Tính đến ngày 20/11/2020, đã có 67 đảng bộ trực thuộc Trung ương gửi báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận ở đại hội đảng bộ các cấp (bao gồm cả đại hội đảng bộ cấp cơ sở, cấp huyện) đóng góp vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.
Từ ngày 20/10/2020 đến ngày 10/11/2020, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các cấp, các ngành đã chủ động tổ chức nhiều cuộc hội thảo, thảo luận và gửi về Trung ương hàng trăm bản tổng hợp ý kiến góp ý. Đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân và đồng bào ta ở nước ngoài cũng đã hoan nghênh và nhiệt tình tham gia góp ý kiến, gửi thư, tài liệu cho các cơ quan và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội.
Các cơ quan chức năng của Trung ương đã tập hợp, tổng hợp, phân loại các ý kiến đóng góp từ hơn 1.400 trang của đại hội đảng bộ các cấp, các đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân và xây dựng Báo cáo tổng hợp chung với gần 200 trang.
Trên cơ sở tổng hợp, nghiên cứu, phân tích các ý kiến đóng góp, cập nhật tình hình trong nước, khu vực và thế giới năm 2020, dự báo tình hình thời gian tới, các Tiểu ban đã xây dựng Báo cáo tiếp thu, giải trình các ý kiến đóng góp của toàn hệ thống chính trị và nhân dân để hoàn thiện dự thảo các văn kiện, báo cáo Bộ Chính trị xem xét, cho ý kiến chỉ đạo hoàn chỉnh.
Có thể nói việc mở rộng dân chủ, phát huy trí tuệ, tâm huyết, sự sáng tạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên, các tầng lớp nhân dân góp ý xây dựng dự thảo các văn kiện của Đảng, là chủ trương đúng đắn và là việc làm cụ thể khẳng định bản chất của chế độ ta.
Ngay sau khi các dự thảo văn kiện được công bố đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, trong khi đông đảo các tầng lớp nhân dân có những ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm vào dự thảo văn kiện thì vẫn còn một số đối tượng cố tình lợi dụng việc đóng góp ý kiến để xuyên tạc, tuyên truyền các luận điệu sai trái, thù địch.
Những đối tượng này tung ra những luận điệu phản động, đi ngược sự thực khách quan, chân lý cách mạng, lợi ích quốc gia – dân tộc… như: Dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng chỉ là sự sao chép và biến tấu từ văn bản các đại hội trước, nội dung không có giá trị gì so với sự phát triển của đất nước mà ngược lại là nhân tố kìm hãm sự tiến bộ của dân tộc ta; văn kiện Đại hội XIII cũng chỉ là những vấn đề sáo rỗng, giáo điều, bảo thủ, khư khư ôm giữ chủ nghĩa Mác - Lênin để duy trì quyền lực của Đảng mà thôi...
Các thế lực thù địch không từ bỏ bất cứ cơ hội nào để chống phá cách mạng, đất nước. Ảnh: VTV |
Từ đó, họ kích động các đối tượng cơ hội, bất mãn viết bài tung lên Internet, mạng xã hội, tạo dư luận đòi Việt Nam phải thay đổi toàn bộ “bộ khung” hiện nay, tức là thực hiện “đa nguyên”, “đa đảng”, “xã hội dân sự” và “đừng trông chờ vào Đại hội XIII của Đảng”.
Cá biệt, một số đối tượng còn đưa ra những luận điệu xuyên tạc rằng, việc coi trọng “xây dựng chỉnh đốn hệ thống chính trị” gắn với chỉnh đốn Đảng trong dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII cho thấy, Đảng đang lo ngại về vai trò và sức mạnh của Đảng.
Một số đối tượng khác thì lợi dụng việc góp ý vào dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng để kêu gọi đòi thay đổi Điều 9, Điều 10 Hiến pháp năm 2013 để tổ chức công đoàn trở thành các tổ chức “xã hội dân sự”, không chịu sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; thay đổi cơ cấu tổ chức và thành phần của các cơ quan như Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên... để những tổ chức này được thành lập dựa trên sự tự nguyện của người dân, không chịu sự chỉ đạo, định hướng của Đảng, Nhà nước.
v.v…
Chủ động đấu tranh đặc biệt quan trọng
Theo cơ quan chức năng, càng gần đến ngày tổ chức Đại hội, những bài viết, nội dung xuyên tạc Đại hội phải xử lý xuất hiện ngày càng nhiều trên không gian mạng. Xuyên tạc dự thảo Văn kiện Đại hội XIII cũng nằm trong mục tiêu chung phá hoại cách mạng Việt Nam và một lần nữa cho thấy các thế lực thù địch không từ bất cứ âm mưu, thủ đoạn nào nhằm chống phá Việt Nam trên mọi lĩnh vực.
Do đó đấu tranh, phản bác có hiệu quả với luận điệu xuyên tạc, các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch luôn là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên của toàn bộ hệ thống chính trị, của mỗi cán bộ, đảng viên và của mọi công dân. Chúng ta phải tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp, trong đó cần đặc biệt nhấn mạnh tính chủ động.
Tính chủ động trước hết trong nhận thức. Phải chủ động đẩy mạnh tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ những luận điệu xuyên tạc, những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Chỉ khi nhận thức rõ, được cập nhật thường xuyên về tình hình và những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; tính chất nguy hiểm, phức tạp của cuộc đấu tranh thì từng người dân sẽ đề cao cảnh giác, không bị dao động, lúng túng trước những luận điệu và âm mưu, thủ đoạn chống phá; ý thức rõ trách nhiệm xây dựng thế trận chủ động đấu tranh.
Sự chủ động của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị cũng giữ một vai trò rất quan trọng. Tính chất phức tạp, cam go và quyết liệt của cuộc đấu tranh đòi hỏi phải huy động được sức mạnh tổng hợp. Điều này chỉ được tạo ra khi các cấp, các ngành, các địa phương, các cơ quan, đơn vị và cả hệ thống chính trị có sự chủ động phối hợp với nhau một cách chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất.
Cùng với đó là sự chủ động của các cơ quan chức năng trong công tác theo dõi, thanh tra, kiểm tra, định hướng với các tổ chức, cá nhân hoạt động trong những lĩnh vực nhạy cảm dễ bị móc nối, lôi kéo, để họ không tiếp tay cho kẻ xấu, không mắc mưu các thế lực thù địch.
Mặt khác, việc chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục của các tổ chức, đoàn thể là rất cần thiết nhưng quan trọng và quyết định hơn vẫn là sự chủ động trong rèn luyện bản lĩnh chính trị, tích cực học tập nâng cao trình độ, tu dưỡng phẩm chất đạo đức của mỗi cá nhân. Bởi đó chính là yếu tố cơ sở nền tảng để mỗi cán bộ, đảng viên và từng người dân chủ động, tích cực, tự giác tham gia có hiệu quả vào cuộc đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, các quan điểm sai trái, thù địch vốn ngày càng phức tạp, khó khăn, lâu dài và cam go.
Quang Minh