Chị Lý Thị Dầu (dân tộc Dao) cho biết, hiện nhà chị có khoảng 3hg chè cổ thụ, một năm thu hoạch khoảng 3 vụ. Gia đình anh chị chế biến chè từ 3 năm nay và cuộc sống đang thay đổi từng ngày.

{keywords}
Chị Lý Thị Dầu hái chè trên núi đá

Mua két cất tiền

Mỗi ngày, chị Dầu cùng mẹ chồng lên núi thu hái chè, tối về hai vợ chồng chị bận rộn với công việc chế biến. Chị cho biết, thu nhập ngày một khấm khá lên từ cây chè, cho dù không hạch toán hay ghi sổ sách. Áng chừng như vụ vừa rồi, gia đình anh chị bán được 3-4 tạ chè khô, với giá 300 nghìn/kg.

Thu nhập từ cây chè giúp anh chị dựng được căn nhà gỗ rộng rãi, xây khu nhà xưởng chế biến chè khá rộng rãi và tậu cả xe hơi, mua két sắt giữ tiền. Chị Dầu kể, sinh ra đã biết tới cây chè cổ thụ, bố mẹ chị cũng không phải là người trồng. Bà chị 90 tuổi cũng không rõ.

{keywords}
Hai bà cháu chị Dầu cứ ban ngày lên núi thu hoạch chè
{keywords}
 

Trèo vắt vẻo lên cây chè trên núi đá, tay hái chè nhanh thoăn thoắt, chị giải thích: “Cây chè này từ lúc lớn lên thì thấy các cụ kể là ngày xưa cũng không biết ai trồng. Thấy cây chè ở đây thì hái suốt thế. Cây chè cũng không chăm sóc gì nhiều, một năm chỉ có phát cỏ 1 lần, để cây chè sinh trưởng tự nhiên, hoàn toàn không dùng phân bón. Ông cha đã để lại cho mình tài sản quý báu như vậy, thì thế hệ con cháu mình tiếp nhận lại phải giữ gìn và chăm sóc như thế nào để có thể khai thác được các nguồn lợi rất quý này”.

Chồng chị Dầu - anh Hoàng Tinh Khiêm (dân tộc Tày) tiếp lời, cây chè mang lại cho gia đình nguồn thu nhập ổn định. “Bởi vì hàng ngày nếu hết tiền, mình có thể đi hái chè một lúc, bỏ công chế biến lại có đủ được chi phí sinh hoạt.

Mấy năm trước giá chè rất rẻ, cũng chưa có ai quan tâm mấy đến sản phẩm chè hữu cơ. Nhưng bây giờ, cùng với các chương trình hỗ trợ của nhà nước, chính quyền địa phương, người dân tộc chúng tôi tham dự các khóa học kinh doanh, buôn bán, học kỹ thuật chế biến các sản phẩm chè sạch nên cây chè cũng được nâng tầm lên”, anh Khiêm cho biết.

Chỉ vào khu nhà xưởng vừa hoàn thành, gia đình chị Dầu nói về chương trình hỗ trợ CPRP (Chương trình giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa) của huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang cấp. “Khi mình làm xưởng, mua máy và chảo sao chè, được chính quyền hỗ trợ 110 triệu đồng”.

{keywords}
Làm chè hữu cơ, vợ chồng chị mua két giữ tiền

Xã và huyện cũng có các chương trình tập huấn về kinh doanh, kỹ thuật marketing, đóng gói nhãn mác sản phẩm… “Phải qua rất nhiều lớp tập huấn thì mới biết về kinh doanh, chứ trước đây mình có biết kinh doanh là cái gì đâu. Học cách làm chè cũng vậy. Ông bà truyền lại thì có cách làm chè ống lam, chè sao bằng tay trên chảo gang. Còn sử dụng máy móc hay làm các sản phẩm chè khác mình phải mày mò học thêm”, chị Lý Thị Dầu kể.

Gìn giữ thương hiệu chè hữu cơ

Thời cách mạng 4.0, vợ chồng chị Dầu, anh Khiêm còn mày mò tìm cách đăng bán chè trên facebook, zalo…. Lúc đầu khách hàng chưa tin tưởng, anh chị phải gửi mẫu đi cho họ thử. Và khách hàng tìm mua chè của gia đình ngày càng đông không chỉ có trong nước mà còn xuất khẩu sang Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga…

{keywords}
Cơ ngơi tiền tỉ của anh chị

Năm 2011, chè shan tuyết Cao Bồ chính thức được Liên đoàn quốc tế về phong trào sản xuất nông nghiệp hữu cơ (IFOAM) cấp chứng chỉ chè hữu cơ – Organic Cao Bồ. Tháng 6/2016, Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cũng chính thức trao “Bằng công nhận cây Di sản Việt Nam” cho quần thể 220 cây chè shan tuyết trên 100 năm tuổi ở xã Cao Bồ.

Ông Lý Quốc Hưng – Chủ tịch xã Cao Bồ cho biết, cả 11 thôn trong xã đều trồng chè với diện tích gần 1.000 ha. 

Các hộ gia đình trong địa bàn xã (96% là dân tộc Dao, 3% là người dân tộc Tày) đều làm chè hữu cơ và xác định giữ thương hiệu chè hữu cơ là cốt lõi. Tất cả các thôn bản đều có qui ước là bảo vệ thương hiệu chè hữu cơ, nghiêm cấm 100% gia đình không được sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ. Hàng năm, công ty chè và xã đều trả chi phí cho một công ty Thái Lan tư vấn và đánh giá, kiểm tra chất lượng sản phẩm đúng chuẩn.

{keywords}
Anh Hoàng Tinh Khiêm thực hiện kỹ thuật sao chè bằng tay trên chảo gang
{keywords}
Mẹ và bà chị Dầu làm chè phổ nhĩ ống lam

Nhờ cây chè, không chỉ gia đình chị Dầu, anh Khiêm, mà người dân Cao Bồ giờ có công ăn việc làm thường xuyên, có thu nhập đáng kể, đời sống được cải thiện, không còn đói ăn, thiếu mặc. Trung bình, mỗi gia đình thu hoạch được khoảng 50 triệu đồng/năm, một số hộ thậm chí thu nhập vài trăm triệu đồng.

Chè Shan tuyết Cao Bồ đã và đang trở thành một trong những thương hiệu nông sản uy tín, được người dân trong nước và bạn bè quốc tế biết đến, đồng thời giúp người dân Cao Bồ tránh xa cái nghèo.

Bài: Nguyễn Hồng Hạnh - Nhóm PV
Ảnh: Vũ Tuấn Anh - Nhóm PV